08:53, 26/09/2023
Một xưởng nghệ thuật độc đáo mang tên “Xưởng tái sinh” với những tác phẩm được “hô biến” từ vật liệu bỏ đi cũng chính là thông điệp giảm thiểu tác hại tới môi trường mà họa sĩ Nguyễn Quốc Dân (39 tuổi, ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) thành lập khi trở về quê hương.
Làm “sống” lại những vật bỏ đi
Xưởng tái sinh của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân tọa lạc ở khu đất rộng hơn nghìn mét vuông ở Cẩm Hà, Hội An. Cách phố cổ 5 km, xưởng độc đáo này được nhiều du khách tìm tới để có thêm những trải nghiệm mới mẻ cho chuyến du lịch của mình.
Giữa trưa nắng, Sam Kehoe – nữ du khách đến từ New Zealand gõ cửa Xưởng tái sinh. Như nhiều vị khách đặt chân đến đây, Sam Kehoe không ngớt trầm trồ khi biết các tác phẩm nghệ thuật ở đây lại được hình thành từ chính những phế liệu bỏ đi. Những chiếc thùng phuy rỗng được sơn lại, cắt tỉa nghệ thuật thành chiếc lồng đèn khổng lồ hay chiếc “ghế thiên thần” độc đáo. Ma-nơ-canh không đầu được tuốt sơn, đội chiếc nón có một không hai khéo léo cắt xẻ từ chiếc mâm nhôm, nắp xoong bỏ đi. Những mặt nạ bằng gỗ, hay chiếc máy tuốt lúa hư hỏng được “chuốt” lại tạo hình thành tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt, nhà vệ sinh bằng bồn nước inox phế liệu khiến nhiều vị khách không khỏi ngỡ ngàng.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân. |
Hình thành cách đây 3 năm, nhưng Xưởng tái sinh đã trở thành địa điểm “không thể bỏ qua” của du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến Hội An. Xưởng dựng hoàn toàn bằng tôn phế liệu nhưng thiết kế đặc biệt thu hút. Hệ thống cửa tròn độc đáo tạo hình mặt trăng – mặt trời. Mọi đồ dùng nội ngoại thất ở đây đều được tận dụng chế tác từ phế liệu bỏ đi.
Chẳng nhận từ khách một đồng nào nhưng vị chủ nhà luôn hào phóng kể câu chuyện về những tác phẩm của mình. Những cảm xúc nghệ thuật mới mẻ đem lại cho người xem hay truyền thông điệp tích cực về giảm thiểu tác động môi trường là điều mà họa sĩ Nguyễn Quốc Dân hướng đến. Anh hạnh phúc hơn khi tinh thần tái chế phế liệu lại thu hút được rất nhiều du khách, cả những vị khách “nhí”.
Trải qua tuổi thơ cơ cực cùng mẹ, những tháng ngày không nhà cửa, lang thang khiến chàng trai Nguyễn Quốc Dân tiếp xúc với phế liệu từ bé. “Hồi nhỏ mình lang thang sống ở những bãi rác, hằng ngày móc bọc lượm rác mưu sinh. Xưa, phế liệu giúp mẹ con mình đắp đổi mưu sinh, thậm chí sống bên bãi rác và rồi nó “ám” vào tâm tưởng, thành chất liệu để sáng tạo nghệ thuật”, anh chia sẻ.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Quốc Dân đi dạy học luyện thi, tư vấn nhận diện thiết kế thương hiệu hay tham gia các dự án nghệ thuật… Việc kiếm tiền ở TP. Hồ Chí Minh sôi động không còn quá khó nhưng mong muốn thoát ra khỏi vòng cơm áo gạo tiền, tạo dựng ước mơ khiến anh quyết định về quê. “Mảnh đất Hội An này hay lắm, rất nhiều điều độc đáo và mình trở về cũng mong muốn đóng góp cho quê hương một điều độc đáo bắt đầu từ những thứ bỏ đi”, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân chia sẻ.
Giải cứu hàng trăm chú chó
Mấy năm nay, người dân đã quen với hình ảnh ông hoạ sĩ rong ruổi khắp đường làng ngõ xóm, dọc bãi biển để lượm nhặt hoặc mua lại các phế liệu. Quen đến mức, nhiều người chở cả xe ma-nơ-canh hư hỏng đến cho, những người buôn phế liệu gõ cửa để “bỏ mối”. Chẳng mấy chốc khu xưởng đã chất đầy phế liệu. Còn anh, người họa sĩ cùng các cộng sự tỉ mẩn cưa, xẻ, sáng tác.
Những chú chó được họa sĩ Nguyễn Quốc Dân giải cứu. |
Từ Xưởng tái sinh đến Hẻm tái sinh, Làng tái sinh, mình mong muốn có những Bảo tàng tái sinh phế liệu. Đó không chỉ là nơi hội tụ, nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật mà còn kết nối, lan tỏa thông điệp nâng cao nhận thức cộng đồng về tái chế phế liệu”.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân
|
Nguyễn Quốc Dân hài hước rằng chẳng bao giờ mất tiền sắm đồ, những thứ anh mang trên người đều là đồ second hand, một chút khéo léo thêu thùa hoa văn, lại thành thời trang độc đáo, không đụng hàng, độc bản. Đi đến đâu, chàng hoạ sĩ cũng gây ấn tượng trong bộ đồ “không giống ai” với chiếc áo màu sắc sặc sỡ, thêu hoa văn bằng tay. Chiếc túi đeo bên hông được anh chế tác từ mảnh lưới đánh cá và vỏ chai nhựa. “Chiếc túi không đụng hàng này khách đến tham quan mê lắm, trả 5 triệu đồng mỗi chiếc mà làm không đủ trả khách đấy”, anh nói.
Trong giới hội họa, Nguyễn Quốc Dân nổi tiếng với trường phái tranh phi lập thể, và có nhiều đóng góp cho những dự án cộng đồng, còn người dân ở đây vẫn quen gọi “Dân khùng” vì hai nhẽ. Một là suốt ngày thấy anh chàng lang thang lượm nhặt hoặc mua lại những phế liệu mà người ta bỏ đi về mày mò tạo tác, hai là tự bỏ tiền túi để giải cứu những chú chó đang được người ta chở đến lò mổ.
“Đang đi trên đường mà thấy chó bị đóng rọ chở đi là mình chạy hết ga hết số đuổi theo. Cái ánh mắt của chúng nó cầu cứu ám ảnh lắm”, anh chia sẻ.
Bao nhiêu năm qua, anh đã bỏ không biết bao nhiêu tiền để giải cứu những chú chó như vậy. Những chú chó được đưa về anh lại tặng lại cho những người yêu động vật. Nhưng có những chú chó bị bệnh, dù mất tiền triệu chạy chữa nhưng vẫn không cứu sống nổi, buồn lắm. “Chúng cũng như mình – phận mồ côi, nhưng sự sống luôn đáng quý nên nếu được hãy cứ rộng lượng, cứ dang tay ra cứu giúp, chúng ta cùng tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, anh nói.