09:04, 28/07/2023
Bất kỳ một dân tộc, quốc gia nào đều xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh, hay nói cách khác là “sức mạnh mềm” nhằm mục đích cố kết và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng trên các mặt kinh tế, xã hội, ngoại giao và an ninh quốc phòng.
Vì thế, việc biến nguồn lực nội sinh ấy thành động lực phát triển được các địa phương quan tâm, chú trọng và phát huy trong mọi hoàn cảnh lịch sử đặt ra.
Với Đắk Lắk, mục tiêu trên càng có ý nghĩa hơn bởi vốn văn hóa truyền thống ở đây hết sức đa dạng và phong phú, được cộng đồng gần 50 dân tộc anh em sinh thành, vun đắp và gìn giữ xuyên suốt qua chiều dài lịch sử, đặc biệt là các tộc người bản xứ đã có mặt từ lâu đời trên vùng đất này. Di sản văn hóa của họ để lại (vật thể lẫn phi vật thể) được xem là kho báu/vốn tài nguyên to lớn để thế hệ hôm nay cũng như tương lai bảo tồn, khai thác và phát huy nhằm phục vụ mục tiêu phát triển trong đời sống đương đại. Để hiện thực hóa điều đó, trong nhiều thập niên qua, chính quyền địa phương đã có rất nhiều chủ trương, giải pháp kịp thời và hữu hiệu nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk xây dựng, thực hiện một số chương trình/đề án bảo tồn, phát huy vốn văn hóa của mình như một nguồn lực nội sinh tiềm tàng và mạnh mẽ của người dân trong nhiều buôn làng trên địa bàn tỉnh.
Cồng chiêng đã bước ra mọi không gian để quảng bá, thu hút du khách đến với Đắk Lắk. |
Chẳng hạn như cồng chiêng, từ năm 2006 đến nay đã có 4 đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk” được triển khai thực hiện – và di sản tiêu biểu này không những mang lại niềm tự hào cho các cộng đồng dân tộc tại chỗ, mà đã thật sự trở thành động lực thúc đẩy đời sống của người dân (chủ thể) theo hướng ngày càng đảm bảo, ổn định và bền vững hơn trong sinh hoạt, thực hành văn hóa cũng như tạo ra sinh kế cho cộng đồng thông qua nhiều hoạt động, trong đó du lịch và dịch vụ có liên quan đến cồng chiêng là đáng kể nhất. Điển hình như Buôn Ma Thuột, chính quyền thành phố đã có những động thái tiếp sức cho mục tiêu khôi phục, bảo tồn cồng chiêng, nhà dài, bến nước truyền thống cùng thiết chế văn hóa tại 33 buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy vốn văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số ”, giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm tạo điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Theo ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Buôn Ma Thuột, trong 3 năm qua có khoảng 10 buôn làng được kiểm kê, đánh giá hiện trạng thực hành văn hóa cồng chiêng gắn với phục dựng lễ hội truyền thống; 220 nhà dài được khảo sát và đã chọn ra hàng chục gia đình cùng nhiều bến nước tại buôn Akô Dhông, buôn Tuôr, buôn Kmrơng Prông B, buôn Jù và buôn Kô Tam… để hỗ trợ kinh phí tu sửa và nâng cấp nhằm giúp người dân làm du lịch cộng đồng. Theo đó, đầu tháng 4/2020, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột tập trung xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển Du lịch cộng đồng tại các buôn làng người dân tộc thiểu số” trình HĐND tỉnh phê duyệt và thông qua nhằm tìm kiếm giải pháp, cơ hội cho đồng bào vừa bảo đảm sinh kế, vừa góp phần bảo tồn vốn văn hóa của mình. Trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần đáng kể cho hộ dân và cộng đồng có nhu cầu làm du lịch (như đầu tư cơ sở hạ tầng là nhà dài, bến nước, rừng đầu nguồn, cảnh quan môi trường và giao thông nội vùng) để thu hút, phục vụ du khách. Theo ông Dũng, đây cũng là hướng đi phù hợp và bền vững để vừa chỉnh trang, tôn tạo lại không gian lịch sử – văn hóa cho các buôn làng trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, vừa dần tạo ra nguồn lực nội sinh cho mỗi cộng đồng dân tộc tự thân phát triển và gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa của mình một cách hiệu quả.
Buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) ngày càng khởi sắc nhờ làm du lịch cộng đồng từ vốn văn hóa của mình. |
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay ngoài 8 buôn làng người Êđê, M’nông, Lào trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố (Buôn Đôn, Krông Bông, Cư M’gar, Krông Ana, Lắk, Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột) đã được quy hoạch, xây dựng thành điểm đến du lịch cộng đồng dựa trên vốn văn hóa, lịch sử giàu bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc như: diễn xướng cồng chiêng gắn với lễ hội truyền thống; hát múa dân gian; sinh hoạt làng nghề (dệt thổ cẩm, làm gốm, rượu cần, mỹ nghệ) nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập một cách bền vững cho bà con, thì sắp tới sẽ có nhiều địa chỉ nữa được triển khai, thực hiện theo hướng đi tích cực này – đó là buôn cổ M’Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk), buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ), buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), buôn M’Oa (xã Cư Huê, huyện Ea Kar)… Những điểm đến này là tâm điểm lan tỏa vốn văn hóa bản địa đến với mọi người – và ngày càng có tính nhận diện cao, rõ nét đối với du khách khi đến với một số trung tâm du lịch cấp tỉnh như Hồ Lắk, Buôn Đôn, Buôn Hồ, Khu sinh thái Hồ Ea Kar – Đồi Chư Cúc (huyện Ea Kar) và Khu căn cứ cách mạng Đắk Tuôr (huyện Krông Bông). Ngược lại, những trung tâm du lịch trên sẽ đóng vai trò động lực thúc đẩy các “vệ tinh” buôn làng xung quanh kết nối lại nhằm hiện thực hóa chính sách khai thác các giá trị di tích lịch sử – văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở Đắk Lắk theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Rõ ràng, việc biến các giá trị văn hóa ở đây thành nguồn lực/động lực phát triển ổn định, bền vững và có hiệu quả là nỗ lực thường xuyên, thống nhất của chính quyền địa phương cũng như chủ thể vốn di sản ấy đang từng ngày được hiện thực hóa một cách sinh động, hiệu quả trên vùng đất giàu bản sắc Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Trong hành trình đó, ai cũng mong rằng Nhà nước ngày càng chú trọng hơn nguồn lực nội sinh to lớn ấy nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho chủ thể vốn văn hóa ở đây được hưởng thụ và khẳng định sức mạnh tự thân của mình để sánh cùng đất nước đi lên…
Đình Đối