Tin mới y tế ngày 22/11: Ứng dụng y tế từ xa tăng tiếp cận dịch vụ y tế cho người yếu thế
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tăng tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy vậy, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và những người chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tăng tiếp cận dịch vụ y tế cho người yếu thế
Bộ Y tế Việt Nam, thông qua Cục Quản lý Khám chữa bệnh, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Chăm sóc Sức khoẻ Quốc tế Hàn Quốc (KOFIH), chính thức khởi động dự án “Ứng dụng Y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.
TS.Hà Anh Đức phát biểu tại sự kiện. |
Dự án hướng tới cải thiện sức khỏe cho nhóm yếu thế bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và tăng cường khả năng tiếp cận cũng như chất lượng dịch vụ y tế cơ sở.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy vậy, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và những người chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Dự án hướng tới mục tiêu giải quyết những hạn chế này bằng hình thức khám chữa bệnh từ xa, tập trung vào 10 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre và Cà Mau.
Bằng cách sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa “Bác sỹ cho mọi nhà”, hơn 1,3 triệu người dân đã được kết nối với cơ sở y tế, hơn 3.000 nhân viên y tế được đào tạo về hệ thống. Dự án sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo đội ngũ y bác sỹ và tích hợp hệ thống khám chữa bệnh từ xa “Bác sỹ cho mọi nhà” vào nền tảng VTelehealth.
TS.Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh đã khẳng định cam kết của Bộ trong việc đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo lãnh đạo Cụ Quản lý khám chữa bệnh, từ năm 2020, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở và cải thiện tiếp cận của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa với dịch vụ y tế chất lượng cao, với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, UNDP đã đồng hành cùng Bộ Y tế phát triển và thực hiện chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà” tại 8 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Cà Mau và đạt được những kết quả tích cực.
Từ những kết quả tích cực của chương trình phối hợp này, Bộ Y tế đã phối hợp với KOFIH Hàn Quốc và thông qua UNDP để huy động nguồn lực với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại là trên 2,3 triệu USD thực hiện Dự án: “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam” tại 10 tỉnh khó khăn, vùng sâu,vùng xa.”
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, cùng với Bộ Y tế và KOFIH, mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo không để bất kỳ ai, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu.
Dự án là minh chứng rõ ràng cho thấy công nghệ số có thể nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại tuyến cơ sở, giúp cải thiện sức khỏe của nhóm yếu thế nhất.
Mục tiêu của dự án là giúp cho nhóm yếu thế ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn và xây dựng một mô hình hợp tác bền vững trong lĩnh vực y tế số, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia và các thỏa thuận quan trọng đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – Việt Nam năm 2021.
Các hoạt động như cung cấp trang thiết bị công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống khám chữa bệnh từ xa và đào tạo nguồn nhân lực đã và đang được triển khai, góp phần đảm bảo dự án sẽ đạt được những kết quả tích cực và bền vững trong tương lai.
Dự án là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam, UNDP và KOFIH, nhằm thúc đẩy cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế bình đẳng. Bằng việc tập trung vào các giải pháp thiết thực như cung cấp trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực y tế và gắn kết cộng đồng, dự án hướng tới những lợi ích thiết thực cho những người cần nhất.
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng sáng kiến này là một cơ hội đầy hứa hẹn để mở rộng các dịch vụ y tế và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dễ bị tổn thương trên khắp Việt Nam.
TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ nhỏ từ 6 đến 9 tháng tuổi
Bên cạnh Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi, tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi là biện pháp tăng cường giúp bảo vệ trẻ khi dịch sởi đang gia tăng trong nhóm tuổi này.
Trong tuần 46, tổng số ca mắc sởi tại TP.HCM là 211 ca, tăng 43,5% so trung bình 4 tuần trước, trong đó có 127 ca điều trị nội trú (tăng 26,1%) và 84 ca điều trị ngoại trú (tăng 81,6%).
Tích lũy từ đầu năm, số ca sởi trên địa bàn Thành phố là 1.858 ca, gồm 1.384 ca điều trị nội trú và 474 ca điều trị ngoại trú, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn Thành phố cũng gia tăng với 419 ca, tăng 31,1% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 256 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 3.052 ca, bao gồm 2.473 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong.
Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm trẻ 6 đến dưới 9 tháng tuổi.
Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng (quy định tại thông tư 10/2024/TT-BYT), trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.
Từ đầu vụ dịch đến nay, số bệnh nhân từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi là 306 trẻ, chiếm tỷ lệ 17% tổng số ca mắc.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh sởi mới ở nhóm trẻ từ 9 đến dưới 12 tháng tuổi (204 trẻ chiếm 11% tổng số ca mắc).
Trước diễn biến gia tăng số ca sởi mới, TP.HCM đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, kết quả sau 1 tuần triển khai tiêm tích lũy đến ngày 19/11/2024, Thành phố đã tiêm được 3.043 mũi cho trẻ trong độ tuổi này.
Vắc-xin được sử dụng cho trẻ là vắc-xin đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Công tác tiêm chủng đang được Thành phố triển khai đảm bảo an toàn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vắc-xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường.
Mũi vắc-xin này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 02 mũi vắc-xin sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, Thành phố vẫn tiếp tục rà soát và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn Thành phố, cũng như triển khai tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ.
Ngành Y tế khuyến cáo phụ huynh và người thân trong gia đình cần chủ động đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ.
Giảm đau thể xác, tinh thần cho bệnh nhân ung thư
Cầm trên tay chẩn đoán bệnh sarcoma mô mềm dạng biểu mô di căn phổi, anh H. bủn rủn tay chân, thở không ra hơi. Anh H. là trụ cột của gia đình khi vợ anh đang mang bầu, con trai 3 tuổi cùng cha mẹ lớn tuổi.
Thạc sỹ bác sỹ Ngô Tuấn Phúc, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết đây là loại ung thư hiếm gặp, chỉ 0,04 ca trên 100.000 người. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ duy nhất một loại thuốc nhắm đích nhằm kéo dài thời gian sống của bệnh nhân, tuy nhiên chưa có mặt tại Việt Nam.
Mỗi ngày, khi khám, bác sỹ Phúc hỏi han về công việc, gia đình, sở thích ăn uống… để gợi mở sự chia sẻ của anh H., từ đó tư vấn phù hợp, giúp tháo gỡ từng vướng mắc. Điều anh H. trăn trở nhất chính là vợ đang mang bầu và con nhỏ. “Tôi sợ không kịp chào đón con ra đời. Tôi có chuyện gì, ai lo cho vợ con?”, anh H. ray rứt.
2 tháng trước khi phát hiện bệnh, anh H. làm việc, sinh hoạt, đá bóng cùng bạn bè. Mỗi chiều, trong căn nhà nhỏ, vợ anh nấu cơm, anh chơi cùng con trai. Anh áp tai vào bụng vợ, lắng nghe trái tim con đập từng nhịp nhẹ nhàng.
Sau đó, anh bị sụt 3kg, thỉnh thoảng ho hục hặc, đau bụng râm ran. Anh đến nhiều bệnh viện để khám, bác sỹ cho biết đau dạ dày, viêm phổi.
Tại Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bác sỹ chỉ định nội soi, chụp CT phổi, phát hiện ung thư sarcoma mô mềm di căn phổi. Bác sỹ giải thích nhẹ nhàng, dễ hiểu, tránh phủ nhận hoặc chối bỏ tình trạng bệnh, song không quá nhấn mạnh vào những nỗi lo sợ không cần thiết.
Anh được dùng nhiều loại thuốc hóa trị, kiểm tra tình trạng đáp ứng, kết hợp can thiệp tâm lý. Qua 2 chu kỳ, kết quả ghi nhận thuốc không ngăn được sự phát triển của tế bào ung thư.
Bụng anh căng tức, ngày một to, khó đi tiểu, những cơn đau thấu tận xương tủy dằn xé cơ thể cường tráng. Bác sỹ đánh giá mức độ đau, cho anh dùng thuốc trước khi cơn đau nặng dần, đồng thời đặt ống thông tiểu để anh đi vệ sinh thoải mái hơn.
Anh khóc, nước mắt người đàn ông ở tuổi 30 với nhiều hoài bão mơ ước phía trước giờ đã bị căn bệnh quái ác đánh gục. Nhưng nhờ được bác sỹ trị liệu tâm lý ngay từ lúc chẩn đoán, anh H. lấy lại bình tĩnh, chấp nhận trong đời sẽ có những việc không mong muốn xảy ra. Anh đã sống hết mình, yêu thương vợ con hết lòng. Anh xin về nhà để quây quần bên vợ con trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại.
Anh nắm tay con trai đặt lên bụng mẹ “Ba thương 3 mẹ con đến hơi thở cuối cùng”. Khi sắp xếp được cuộc sống cho ba mẹ con, anh H. thấy mình thanh thản.
Bác sỹ Phúc chia sẻ người thầy thuốc luôn mong người bệnh khỏe mạnh trở lại nhưng không phải bệnh nào cũng có thể chữa khỏi, chẳng hạn ung thư giai đoạn cuối, ung thư hiếm gặp chưa có thuốc điều trị.
Với bệnh ung thư, mỗi giai đoạn bệnh sẽ có mục đích điều trị khác nhau. Ở các giai đoạn sớm; mục tiêu là chữa khỏi; ở giai đoạn trễ, mục tiêu là duy trì sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn ở giai đoạn cuối, mục tiêu là người bệnh được thanh thản, không đau, không còn vướng bận về tinh thần để “ra đi” nhẹ nhàng.
Trong giai đoạn này, các liệu pháp điều trị đặc hiệu thường không còn hiệu quả nên cần tập trung vào điều trị giảm đau và chăm sóc tinh thần.
Bác sỹ có thể phối hợp cùng gia đình người bệnh chia sẻ tình trạng bệnh theo từng giai đoạn, thông báo dần qua nhiều lần khám, giúp người bệnh bớt suy nghĩ tiêu cực, thư thả về tinh thần. Đây là một phần của chăm sóc giảm nhẹ.
Bác sỹ Phúc cho biết, người bệnh ung thư, đặc biệt ở giai đoạn cuối hoặc không chữa được không chỉ đau về thể xác mà còn đau về tinh thần, tâm lý xã hội. Những vấn đề đau do tâm lý nếu không được điều trị sẽ khiến người bệnh rối loạn, lo lắng, sợ hãi; khiến cơn đau thể chất của người bệnh càng nặng nề và khó kiểm soát hơn. Đây là vòng xoắn bệnh khiến người bệnh đau khổ hơn.
Chăm sóc giảm nhẹ là chuỗi hoạt động nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình, người thân trong suốt quá trình điều trị ung thư nói chung và ung thư giai đoạn cuối nói riêng.
Năm 2006, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư và AIDS, tập trung vào các loại thuốc giảm đau về thể chất.
Năm 2022, Bộ Y tế, sau quá trình phát triển và đánh giá, đã ban hành các hướng dẫn về chăm sóc giảm nhẹ hướng đến điều trị toàn diện về thể chất, tinh thần của cả người bệnh và gia đình; dành cho người bệnh mạn tính, ung thư, HIV, bệnh mạn tính giai đoạn cuối mà liệu pháp điều trị không còn có thể cải thiện thêm, người bệnh mà có tiên lượng sống không còn quá 6 tháng.
Một trong những vai trò quan trọng nhất của chăm sóc giảm nhẹ là giúp bệnh nhân tiếp cận với những phương pháp giảm đau, kiểm soát triệu chứng. Người bệnh còn được cung cấp các điều trị hỗ trợ khác như can thiệp dinh dưỡng, vật lý trị liệu, tâm lý… Sự quan tâm, động viên từ thân nhân giúp người bệnh cải thiện các vấn đề tinh thần, có thêm nghị lực để tiếp tục chữa bệnh.
Với người bệnh giai đoạn cuối, khi được chăm sóc giảm nhẹ đúng cách, người bệnh bớt đau đớn về thể chất, giải tỏa tâm lý tiêu cực, sống có ý nghĩa trong những năm tháng cuối đời.
Người bệnh ung thư có thể được chăm sóc giảm nhẹ từ các bác sỹ, điều dưỡng khoa Ung bướu hoặc khoa Chăm sóc giảm nhẹ. Nhóm chăm sóc giảm nhẹ còn bao gồm nhiều thành viên khác như bác sỹ dinh dưỡng, chuyên viên vật lý trị liệu, nhân viên y tế xã hội…
Kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng mà nhân viên y tế cần có để xoa dịu tinh thần của người bệnh và gia đình.
Họ lắng nghe, hiểu và thấu cảm cho nỗi lo lắng, sợ hãi và cần nắm bắt được mong muốn của người bệnh. Cuộc trò chuyện cần cởi mở thông tin, tạo điều kiện cho người bệnh và gia đình thảo luận và đặt câu hỏi.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) về ung thư năm 2022 tại Việt Nam, tỷ lệ mới mắc mỗi năm là 180.000, tỷ lệ tử vong khoảng 120.000, bệnh có xu hướng tăng dần, cho thấy nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ rất lớn.