10:31, 18/09/2023
* Cử tri xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) và xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) kiến nghị, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg (sau đây gọi là Quyết định số 681), ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay trên địa bàn hai xã không còn xã khu vực III, khu vực II. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, có chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho đồng bào DTTS nhằm hỗ trợ bà con trong công tác khám, chữa bệnh.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát và xác định đồng bào DTTS đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội (KT-XH) khó khăn (khu vực II), người dân sinh sống ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (khu vực III) giảm theo Quyết định số 861 thuộc các nhóm đối tượng khác được ngân sách Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT như: hộ nghèo, hộ cận nghèo… để hướng dẫn thực hiện các thủ tục tham gia BHYT theo quy định. Đối với các xã thuộc khu vực II, khu vực III mới được phê duyệt theo Quyết định số 861, chỉ đạo UBND cấp xã lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo quy định. Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về việc thay đổi chính sách BHYT theo Quyết định số 861 để người dân biết, chia sẻ và tích cực tham gia BHYT, nhằm đảm bảo quyền lợi khi khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có đề xuất, kiến nghị Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội có các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2021 – 2025 mà KT-XH còn khó khăn; kiến nghị Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách BHYT cho các đối tượng nêu trên. Đồng thời, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu tính khả thi và khả năng ngân sách của tỉnh để xem xét, đề xuất chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng.
Người dân xã Ea Sin (huyện Krông Búk) sử dụng điện tư nhân để sinh hoạt. Ảnh: N.Quỳnh |
* Cử tri huyện Cư Kuin đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết chi trả chế độ phụ cấp cho công an viên tại các thôn, buôn.
Ngày 20/12/2021, HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, buôn, tổ dân phố. Tại Nghị quyết này, không quy định chi trả phụ cấp cho công an viên các thôn, buôn trên địa bàn huyện, do đó không có căn cứ để UBND huyện bố trí ngân sách cho UBND các xã thực hiện chi trả phụ cấp cho công an viên thôn, buôn trên địa bàn huyện.
Ngày 18/7/2022, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND quy định số lượng, mức phụ cấp đối với công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, UBND huyện đã bổ sung ngân sách cho UBND các xã và đã thực hiện chi trả phụ cấp đầy đủ theo quy định cho lực lương công an viên thôn, buôn trên địa bàn toàn huyện.
* Cử tri các thôn có đất thu hồi tại Khu tái định canh số 02 xã Cư Bông (huyện Ea Kar) kiến nghị Ban Quản lý dự án Đắk Lắk sớm triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân có đất bị thu hồi, vì tiến độ triển khai phương án chậm, làm ảnh hưởng đến canh tác cũng như đời sống của các hộ dân có đất bị thu hồi.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (Ban QLDA), vừa qua trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban QLDA tỉnh cũng như chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn khi thực hiện việc thu thập hồ sơ, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, do một số hộ dân kê khai còn chưa trung thực, không đồng ý đối với kết quả xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất do địa phương xác nhận. Vì vậy, gây chậm trễ trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Hiện nay, Ban QLDA tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan triển khai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân cũng như tiến độ thực hiện dự án vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đề nghị UBND huyện vận động các hộ gia đình, cá nhân phối hợp hỗ trợ trong quá trình kê khai cũng như chấp hành các quy định của pháp luật khi nhà nước thu hồi đất.
* Cử tri xã Ea Sin (huyện Krông Búk) kiến nghị các thôn: Ea Káp, Ea My và buôn Ea Kring chưa có điện lưới quốc gia và đang dùng điện tư nhân với giá cao (từ 4.000 – 4.500đồng/Kw). Do đó, đề nghị các cấp, ngành liên quan có kế hoạch kéo điện lưới quốc gia phục vụ nhu cầu sử dụng điện của nhân dân.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Đắk Lắk, hiện tại các hộ dân đang sử dụng điện lưới Quốc gia thông qua 2 trạm biến áp T185KB(ĐD476T2.KBU) có dung lượng 630 kVA-22/0,4kV và T184KB(ĐD476T2.KBU) có dung lượng 400kVA- 22/0,4kV là tài sản của các hộ dân khu vực trên bỏ vốn đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành năm 2015, ngành điện bán điện tại công tơ tổng của 2 trạm biến áp. Về giá bán điện tại vị trí ranh giới (là hệ thống đo đếm điện năng tại 2 trạm biến áp), Công ty Điện lực thực hiện theo quy định hiện hành. Đối với việc thu các khoản chi phí đầu tư, về giá bán điện… thuộc đường dây sau vị trí ranh giới nói trên, các hộ dân góp vốn tự thỏa thuận với người đại diện, trường hợp không thống nhất hoặc còn vướng mắc, báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
Tòa soạn