17:33, 01/09/2023
Tây Nguyên, cái tên gợi cho con người ta nghĩ ngay đến vùng đất của đại ngàn với núi rừng hoang sơ, hùng vĩ.
Nơi đây quần tụ nét văn hóa đậm bản sắc của dân tộc bản địa, lại vừa là nơi giao thoa văn hóa của nhiều tộc người. Tất cả đã hun đúc nên những con người vừa mang trong mình bản sắc riêng, vừa sẵn sàng hòa nhập để chung sống.
Tây Nguyên, nơi một năm có hai mùa: mùa mưa như trút nước và mùa nắng rót lửa. Chính điều kiện tự nhiên này đã nuôi dưỡng nên những con người với nét đặc trưng rất riêng. Có thể nói, tính cách, tâm hồn con người Tây Nguyên được khởi tạo nên từ không gian sống tự do của núi non bạt ngàn, hùng vĩ và không gian gắn kết cộng đồng. Bởi thế, tính cách, tâm hồn con người Tây Nguyên không dễ để thông hiểu, càng trải nghiệm thực tế càng có những nhìn nhận sâu sắc, tưởng chừng quen thuộc nhưng bị thách thức bởi những điều mới mẻ.
Vòng xoan kết đoàn trong Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xê đăng ở xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar). |
Sống gắn kết với thiên nhiên nên trước hết, nó tạo cho cuộc sống con người Tây Nguyên một sự thanh thản tự nhiên, một tính cách hiền hòa trong sáng. Họ gắn kết với núi rừng nên luôn mang trong mình khát vọng chinh phục, vươn tới những giá trị cao đẹp, hiền minh như rừng. Họ hồn nhiên vô tư, chân chất và sống mộc mạc như cây cỏ lớn lên từ rừng thẳm nhưng đầy khí chất, hào sảng. Ai đã từng đến tham dự các lễ hội được tổ chức theo mùa của đồng bào Tây Nguyên sẽ thấy, bên ché rượu cần hay nắm cơm mới, miếng thịt vừa nướng trên mụn than hồng, họ ngồi lại bên nhau để chia vui, để hát hò, già cũng như trẻ, gái cũng như trai, không phân biệt chủ – khách. Điều này làm cho ai đó mới đến Tây Nguyên lần đầu hay đã đặt chân đến đây nhiều lần nữa đều thấy quen mà lạ, lạ mà như quen thân lắm…
Cũng từ không gian đại ngàn, thì cuộc sống cũng đối diện với bao điều hiểm trở, đã tôi luyện người Tây Nguyên vừa hùng dũng, kiên cường, vừa lạc quan và mong ước cuộc sống bình yên. Đó cũng được coi là điểm tựa tinh thần cho cuộc sống hằng ngày phải đối diện với biết bao lần gầm thét của núi cao rừng sâu. Con người hoang sơ, đầy chất “mộc” nhưng cũng rất tinh tế trong họ luôn hài hòa, quyện chặt. Để ý sẽ thấy, ở Tây Nguyên, dường như thanh niên nào cũng biết hát và biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ. Dù cái bụng còn có bữa réo rắt lên vì chưa no, mùa có lúc đi hoang chưa về, nhưng âm nhạc lúc nào cũng reo vui khắp các buôn làng. Đêm đến, bên bếp lửa giữ ấm nhà sàn, những lời ca tiếng hát cứ thế vút cao, khi thì cuồng nhiệt đầy khao khát, lúc nồng nàn, vấn vít, nằm gọn trong tiếng chiêng ngân. Những đêm khan huyền hoặc, tiếng chiêng gọi ngải đêm… cứ hòa tấu nhịp nhàng, người già, người trẻ, gái, trai quần tụ và cặm cụi nuôi dưỡng những âm thanh. Khuôn mặt người Tây Nguyên vì thế mà lúc nào cũng ánh lên một niềm kiêu hãnh giữa đất trời. Vậy đấy, vốn dĩ Tây Nguyên là một huyền thoại, bí ẩn và đắm say khiến cho nhiều người cứ mải miết đi tìm.
Trình diễn nhạc cụ dân tộc của đồng bào Êđê. |
Con người Tây Nguyên với nhiều giá trị đặc trưng được hình thành qua nhiều thế hệ. Người Tây Nguyên sống hòa hợp với núi rừng nên họ tồn tại bền chặt trong niềm cộng cảm chung của cộng đồng. Con người tồn tại trong sự sinh tồn của cộng đồng nên cố kết bằng những buôn, những bon. Hiếm có nơi nào như vùng Tây Nguyên, chất cộng đồng được đề cao, bền bỉ hun đúc qua nhiều thế hệ, trở thành giá trị cốt lõi trong văn hóa của tộc người. Đây cũng là “sức mạnh mềm” cho sự tồn tại, phát triển của Tây Nguyên.
Vùng đất này là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cũng là nơi quần tụ của cư dân từ bốn phương về sinh cơ, lập nghiệp. Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, mang đến sự kết hợp đa dạng văn hóa. Người Đắk Lắk có sự giao thoa của văn hóa các vùng miền với những giá trị truyền thống của dân tộc bản địa. Họ cùng sinh sống, cùng tạo dựng nên những giá trị đặc trưng của Đắk Lắk. Chung sống trên vùng đất này, họ luôn siết chặt tay những người đồng tộc, hào sảng, thân thiện, đoàn kết, đồng tâm và thương người.
Thế đấy, ai đã từng yêu và tìm đến để hiểu thì càng thấy Tây Nguyên vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc. Đến nỗi, bạn bè tôi thường nói: Muốn biết Tây Nguyên, hiểu về Tây Nguyên, phải đi nhiều lần mới có thể trải nghiệm, nhưng càng gần thì càng lạ, càng hiểu càng thách thức bởi “ma mị” từ trong ánh mắt đen nâu của thiếu nữ, từ nụ cười hào sảng của người Tây Nguyên… Vì thế như ma lực, cứ cuốn, thẳm sâu, ngấm cái chếnhh choáng của đại ngàn trong men say… Và lại cứ đi, để cảm!
Đỗ Lan