Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận 4 trẻ em mắc bệnh Sởi, nâng tổng số bệnh nhân sởi tính từ đầu năm 2024 đến nay lên 5 người. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh Sởi, Ngành Y tế tỉnh đang tích cực triển khai đồng loạt các hoạt động nhằm không để dịch Sởi bùng phát và lan rộng.
Theo đó, 5 trường hợp bị bệnh sởi được ghi nhận tại các huyện Cư Kuin, Buôn Đôn, Krông Búk và TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó có 3 trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện ngành Y tế đang tiến hành điều tra, rà soát thống kê tất cả đối tượng dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, sởi – rubella; tiến hành lập kế hoạch, dự trù vắc xin và tổ chức tốt các hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng này.
Cán bộ y tế điều tra, giám sát tại ổ dịch sởi ở huyện Cư Kuin (Ảnh: Sở Y tế Đắk Lắk).
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực giám sát các bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng nói chung và bệnh Sởi nói riêng. Việc gián đoạn cung cấp dịch vụ tiêm chủng và giảm tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu khiến hàng triệu trẻ em dễ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin trong đó có bệnh Sởi, dẫn tới nguy cơ cao khả năng bùng phát dịch sởi trên toàn cầu và đặc biệt trẻ em chưa được tiêm chủng có thể mắc bệnh và tử vong do Sởi.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh Sởi phức tạp trên toàn quốc, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh theo “Bộ công cụ đánh giá nguy cơ dịch Sởi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xây dựng nhằm hỗ trợ xác định khoảng trống đang tồn tại” ở mức độ nguy cơ cao.
Sở Y tế tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Sởi, Rubella trên địa bàn toàn tỉnh năm 2024 với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc/chết do bệnh Sởi và Rubella; tăng tỷ lệ tiêm chủng để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng và phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.
Tiến hành rà soát nhằm đảm bảo không để sót đối tượng tiêm chủng (Ảnh minh họa).
Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động để tỷ lệ mắc Sởi đạt <5/100.000 dân; ≥ 95% trẻ dưới 5 tuổi được tiêm đủ mũi vắc xin Sởi, Sởi – Rubella; 100% ca bệnh Sởi, Rubella mới phát sinh ở quy mô xã, phường, thị trấn được kịp thời triển khai các biện pháp, xử lý triệt để theo quy định…
Để công tác phòng, chống bệnh Sởi đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tuyến đã được kiện toàn, tăng cường chỉ đạo và thiết lập sự điều phối và hợp tác giữa ngành y tế và các ngành có liên quan; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về bệnh Sởi, Rubella, cách nhận biết và biện pháp phòng chống như nâng cao sức đề kháng cơ thể để người dân thấy rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất. Song song đó, tiến hành rà soát các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng ở tất cả các xã, phường, thị trấn; tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tiêm vét, tiêm bổ sung cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Sởi, Sởi – Rubella; đảm bảo không để sót đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp…
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/trien-khai-ong-loat-cac-hoat-ong-nham-khong-e-dich-soi-bung-phat-va-lan-rong