09:33, 14/08/2023
Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có những chỉ đạo yêu cầu ngành ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi.
Điều dễ thấy nhất là hầu hết các gói tín dụng ưu đãi đều có nguồn vốn khá lớn, lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng. Và mục đích của các gói tín dụng này là rất tốt, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Nếu được triển khai hiệu quả sẽ góp phần quan trọng giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bởi bên cạnh yêu cầu các ngân hàng thu xếp nguồn vốn, Chính phủ cũng yêu cầu việc giảm mặt bằng lãi suất phải thực chất.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn và tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Buôn Đôn kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng trên địa bàn. (Ảnh minh họa) |
Thế nhưng không có “ưu đãi” nào mà không đi kèm “điều kiện” dẫn đến kết quả giải ngân chưa được như kỳ vọng. Đơn cử như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo Nghị quyết 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Theo kế hoạch, bốn ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), mỗi ngân hàng dành khoảng 30.000 tỷ đồng tham gia gói tín dụng này, với lãi suất cho vay thấp hơn thị trường từ 1,5 – 2%. Thế nhưng đến nay cả nước mới có khoảng hơn 95 tỷ đồng được giải ngân và 950 tỷ đồng cam kết cho vay. Riêng tại Đắk Lắk, các NHTM nhà nước trên địa bàn cũng mới chỉ dừng lại ở việc “đã thực hiện công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc văn bản hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống về việc triển khai chương trình này”. Đến nay, các chi nhánh NHTM nhà nước trên địa bàn chưa phát sinh dư nợ cho vay theo Nghị quyết 33.
Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân những gói tín dụng này thấp, trong đó khó khăn lớn nhất là những “ràng buộc” đi kèm khiến không nhiều đối tượng đáp ứng được điều kiện vay vốn. Cùng với đó, trên thực tế thì các NHTM cũng không thực sự “mặn mà” với việc giải ngân những gói tín dụng này. Theo chia sẻ của đại diện một NHTM trên địa bàn, các chương trình tín dụng ưu đãi là động thái của các NHTM chung tay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy tăng trưởng. Mặt khác, thông qua những gói tín dụng ưu đãi này, các NHTM cũng muốn kích cầu tín dụng trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang giảm sâu. Thế nhưng gần như tất cả các gói tín dụng ưu đãi đều luôn đi kèm với những điều kiện ràng buộc rất chặt chẽ. Và để các bên cùng hội đủ khả năng đáp ứng được điều kiện giải ngân là rất khó khăn. Trong khi đó, ở hầu hết các chương trình tín dụng ưu đãi hiện nay, Chính phủ yêu cầu các ngân hàng cho khách hàng vay bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng. Ngân hàng có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với những khoản cho vay các chương trình theo quy định của pháp luật. Thế nên rất dễ hiểu là tại sao kết quả giải ngân không được như kỳ vọng.
Thiết nghĩ, để những gói tín dụng ưu đãi thực sự đi vào đời sống, phát huy tác dụng, khi đưa ra một chương trình nào đó cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, điều kiện thực tế, có những “hướng mở” nhất định để việc thực thi được dễ dàng hơn. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý ngân hàng, địa phương liên quan cần quan tâm để có sự phối hợp hiệu quả trong tổ chức và thực hiện các chương trình.
Giang Nam