08:17, 30/08/2023
Sau đại dịch COVID-19, kinh tế cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn kịch bản đề ra, sức chống chịu của doanh nghiệp (DN) bị bào mòn, lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro.
Trước tình hình này, nhiều chính sách tài khóa đã được triển khai, điển hình là Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15, ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn giảm 50%; Nghị định số 12/2023/NĐ-CP, ngày 14/4/2023 về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Một trong những chính sách nổi bật là Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết năm 2023. Việc giảm mạnh thuế VAT được đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển, giảm bớt khó khăn, áp lực cho DN.
Các chính sách tài khóa, tiền tệ được “nới lỏng” sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mua, bán và vay các khoản ngắn hạn. (Trong ảnh: Sản xuất cà phê tại Hợp tác xã Ea Tân (huyện Krông Năng)). Ảnh: Khả Lê |
Theo Cục Thuế Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã triển khai hỗ trợ và xử lý hồ sơ giảm 30% tiền thuê đất năm 2022 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg, ngày 31/1/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho 367 tổ chức, DN và 72 hộ gia đình, cá nhân, với số tiền được giảm gần 44 tỷ đồng. Tổ chức triển khai Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 với số tiền 132,5 tỷ đồng.
Cùng với nhóm giải pháp về tài chính, vấn đề điều hành tín dụng, tiền tệ cũng được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh những giải pháp về nguồn cung tiền, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại thì những chính sách của Chính phủ chỉ đạo có tính chất hỗ trợ các DN trong lĩnh vực cần hồi phục nhanh, tạo động lực cho nền kinh tế, DN nhỏ và vừa… cũng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) triển khai quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại đều đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các gói tín dụng hấp dẫn cũng được đưa ra như gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 15.000 tỷ đồng cho vay lâm nghiệp, thủy sản. Cùng với đó là một loạt chương trình ưu đãi, giảm lãi suất khác cũng được các ngân hàng triển khai…
NHNN Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện những giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 73.200 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế 141.000 tỷ đồng.
Khách hàng giao dịch tại một phòng giao dịch thuộc hệ thống Vietcombank Đắk Lắk. |
Có thể thấy, các giải pháp về tài khóa, tiền tệ được triển khai như “liều thuốc bổ” đã bắt đầu “ngấm” vào nền kinh tế. Tính đến hết tháng 7/2023, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước của tỉnh ước thực hiện hơn 4.436 tỷ đồng, bằng 59,73% dự toán Trung ương giao và 43,92% dự toán HĐND tỉnh giao; toàn tỉnh đã giải ngân hơn 1.404 tỷ đồng vốn đầu tư công (bằng 28,2% kế hoạch, cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 24.933 tỷ đồng, tương đương 39,58% kế hoạch, tăng 4,01% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những chính sách về tài chính, ngân hàng, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, trong đó, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc và giảm thuế VAT đối với các mặt hàng thiết yếu nội địa…