08:25, 20/12/2023
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa truyền thống huyện Lắk” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Lắk tổ chức mới đây, nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các phòng chuyên môn huyện Lắk đã có những trao đổi, đánh giá toàn diện về thực trạng, đồng thời đề ra những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa truyền thống huyện Lắk.
Dồi dào tài nguyên văn hóa
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tiến sĩ Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh về tiềm năng phát triển du lịch của huyện Lắk, trong đó nổi bật là du lịch gắn với văn hóa truyền thống. Nơi đây có cộng đồng các dân tộc sinh sống như M’nông, Êđê… với các đặc trưng văn hóa, kiến trúc truyền thống có giá trị cao; nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống còn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Trong những năm qua, địa phương đã khôi phục tám lễ cúng của người dân tộc thiểu số như: Lễ cầu mưa, Lễ kết nghĩa anh em, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng sức khỏe cho voi, Lễ cúng hạ thủy thuyền… Sau khi được khôi phục, các lễ hội đã thực sự “sống lại” và lan tỏa giá trị sâu rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.
Tiến sĩ Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát biểu tại Hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa truyền thống huyện Lắk”. |
Những lễ hội nói chung và văn hóa truyền thống các dân tộc, cùng tiềm năng về di tích danh lam, thắng cảnh đã thu hút một lượng lớn du khách đến với nơi đây. Năm 2023, huyện Lắk có lượng khách đạt 20.653 lượt, trong đó khách quốc tế là 1.403 lượt, khách trong nước là 19.250 lượt. So với năm 2022, lượt khách tăng 1,6 %, doanh thu đạt 17 tỷ đồng (tăng 18%).
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng du lịch huyện Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho hay, hiện nay, các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng nhưng chưa bố trí được kinh phí để đầu tư, tu bổ; sản phẩm du lịch cộng đồng đã bước đầu hình thành và có sự thành công nhất định, tuy nhiên vẫn còn dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; trong số 115 lao động đang hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện thì có hơn 50% lao động chưa qua đào tạo…
Xây dựng sản phẩm đặc thù
Với thực trạng đó, làm gì để du lịch huyện Lắk ngày càng phát triển, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề được những người có trách nhiệm quan tâm, trăn trở.
Ông Bùi Xuân Tiệp, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao huyện Lắk chia sẻ, khách du lịch đến với huyện Lắk không chỉ vì vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng, mà phần lớn họ đến hay quyết định quay trở lại vì những cuốn hút về văn hóa. Không ít du khách ấn tượng với khoảnh khắc được thưởng thức và hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của người dân bản xứ, say sưa với những câu chuyện về tên rừng, tên thác, tên núi, tên sông; hay cùng nhau trải nghiệm về những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, những buôn làng còn lưu giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số…
Nhưng trước xu thế giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, số nghệ nhân trong cộng đồng ít dần đi mà không có lớp kế cận. Ðể giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bên cạnh vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước… cần có những cơ chế đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân kịp thời, để họ phát huy mọi khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo nền tảng để phát triển du lịch.
Không gian du lịch Y Sol House của anh Y Sôl Sruk (bìa phải) ở xã Yang Tao (huyện Lắk). |
Từ góc độ bảo vệ môi trường, ông Y Thiêm Quan, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lắk cho rằng, hoạt động du lịch một mặt góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Vì vậy, rất cần gắn nội dung giáo dục môi trường với các chương trình đào tạo cho mọi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch; có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trong vùng gắn với bảo tồn và khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, tăng cường hợp tác liên ngành và quốc tế về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch…, đảm bảo điều kiện phát triển du lịch một cách bền vững.
Theo ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới huyện sẽ chủ động xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương như: khôi phục một số nghi lễ, lễ hội phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào địa phương; khôi phục và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như làng nghề dệt thổ cẩm buôn Lê, buôn Jun (thị trấn Liên Sơn), buôn M’Liêng (xã Đắk Liêng), làng nghề gốm ở xã Yang Tao…
Mai Sao