Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo báo cáo tại hội nghị, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương gần 237 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 432 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.
Đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đến ngày 30/6 ước giải ngân 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 1,1% (30,49%).
Cụ thể: có 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước; có 33 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó đúc kết những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành; tiếp tục duy trì các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng thời, rà soát kỹ từ khâu chuẩn bị dự án đến quá trình triển khai; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thanh toán ngay khi có khối lượng giải ngân; tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành, phân cấp phân quyền; tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời khen thưởng, kỷ luật và giải quyết khó khăn vướng mắc; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương với các chủ đầu tư…
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới với mục tiêu giải ngân trên 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “5 quyết tâm” và “5 bảo đảm”.
Trong đó, “5 quyết tâm” gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; quyết tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, đổi mới sáng tạo, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.
“5 bảo đảm” gồm: Bảo đảm chủ động nguyên vật liệu (nhất là cát sỏi, đất đắp nền…) và các điều kiện cần thiết cho các dự án; bảo đảm nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm (có phương án huy động đủ nhân lực, bố trí thêm khi cần đẩy nhanh tiến độ…); bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, công tác tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/thu-tuong-pham-minh-chinh-nhan-manh-tinh-than-5-quyet-tam-va-5-bao-am-e-thuc-ay-giai-ngan-von-au-tu-cong