Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Với khoảng 4.500 đại biểu, trong đó khoảng 2.000 bà con nông dân, hợp tác xã dự đối thoại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Tham dự Hội nghị, còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Ya Toan Ênuôl – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; cùng sự tham dự của đại diện các ngành, địa phương, đại diện hội viên nông dân, hợp tác xã của tỉnh.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị đối thoại (ảnh chụp màn hình)
Tại Hội nghị, các đại biểu là nông dân, hợp tác xã đã tham gia phát biểu nhiều lượt ý kiến tập trung vào các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể như: chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng về việc tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho hợp tác xã; thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh để hình thành chuỗi sản xuất lớn của các hợp tác xã, doanh nghiệp; đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ; đề nghị Chính phủ chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh …
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại (ảnh chụp màn hình)
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm qua ngành nông nghiệp, người nông dân đã có những đóng góp rất quan trọng vào thành tựu của cả nước trong năm qua. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 nước trên thế giới.
Đánh giá cao hiệu quả của Hội nghị đối thoại, Thủ tướng chính phủ mong muốn bà con nông dân tiếp tục góp ý qua các kênh khác nhau để để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thực hiện được nhanh hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại (ảnh chụp màn hình)
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới như cần được quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai; khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng. đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh, trong tất cả các khâu …
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/thu-tuong-chinh-phu-chu-tri-hoi-nghi-oi-thoai-voi-nong-dan-viet-nam-nam-2024