07:22, 15/12/2023
Đã 10 năm nay, niên vụ 2023 – 2024 là mùa vụ mà nông dân ở thủ phủ cà phê có niềm vui trọn vẹn nhất khi sản phẩm làm ra vừa được mùa, vừa được giá. Niềm vui ấy sẽ là động lực để người nông dân nâng cao chất lượng cà phê từ khâu chọn giống, chăm sóc và thu hoạch, chế biến…
Niềm vui nhân đôi
Vụ thu hoạch cà phê của niên vụ 2023 – 2024 đã đi được nửa chặng đường, người dân trồng cà phê nói chung, của Đắk Lắk nói riêng đều chung một tâm trạng phấn khởi, ngay cả những hộ có sản lượng thấp hơn năm ngoái cũng đều rất vui mừng vì giá cà phê tăng cao ngay trong vụ thu hoạch.
Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc) cho hay, đơn vị có trên 300 ha cà phê. Năm nay bà con rất vui vì giá sầu riêng, cà phê đều tăng cao. Mặc dù diện tích cà phê của HTX thu hoạch muộn hơn những vùng khác vì trồng giống chín muộn (khoảng cuối tháng 12 dương lịch mới chín rộ), nhưng năng suất ước đạt cao, từ 4,5 – 5 tấn/ha (tăng từ 10 – 20% so với vụ trước). Ước tính, với sản lượng tăng, giá bán cao, bình quân mỗi hộ thu về 200 – 300 triệu đồng lợi nhuận từ cà phê. Điều này cũng sẽ làm cho các thành viên yên tâm đầu tư, chăm sóc vườn cà phê tốt hơn.
Nông dân TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024. Ảnh: Hoàng Gia |
Hiện tại, các hộ đang tập trung hái lựa, bảo đảm quả chín 100% để bán với giá tốt nhất. Đồng thời, nhằm bảo đảm đầu ra và giá ổn định ở mức cao cho người nông dân, HTX cũng đã mời gọi một số doanh nghiệp đến tìm hiểu và thực hiện liên kết theo chuỗi sản xuất. “Hy vọng, với sự chú trọng chất lượng ngay từ khâu sản xuất, thu hoạch, sản phẩm cà phê của HTX sẽ xây dựng được chuỗi liên kết lâu dài với doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Huyện Krông Pắc hiện có trên 20.000 ha cà phê, trong đó có gần 19.000 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Pắc, niên vụ cà phê 2023 – 2024, năng suất bình quân toàn huyện có giảm nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là do giá cà phê thấp trong thời gian dài, cùng với đó là sự “lên ngôi” của cây sầu riêng nên nông dân không mặn mà đầu tư cho cây cà phê. Tuy nhiên, với giá bán đang tăng cao đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người trồng cà phê ở địa phương.
Ở vùng cà phê trọng điểm của tỉnh, nông dân huyện Krông Năng cũng đang tất bật thu hoạch khi các vườn cây đã chín rộ. Bà Lê Thị Thiệp (xã Phú Xuân) cùng đội nhân công đang thu hái hơn 1 ha cà phê (trồng xen canh sầu riêng) cho hay: “Năm nay, gia đình ước thu được khoảng hơn 2 tấn nhân, hơi tiếc vì sản lượng quả không đạt bằng mọi năm (thấp hơn 1 – 2 tạ). Tuy vậy, với giá cả ổn định và tăng dần ngay từ đầu mùa nên gia đình tôi cũng rất vui. Vì với mức giá hiện tại là hơn 60.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình cũng có lãi khoảng vài trăm triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay mà gia đình thu được từ cà phê”.
Nông dân xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) tập trung thu hoạch cà phê. Ảnh: N. Thùy |
Hộ ông Nguyễn Văn Quý (xã Phú Xuân) cũng đang gấp rút thu hoạch 8 sào cà phê (trồng thuần), với sản lượng ước đạt được 3 tấn khô (tương đương năm ngoái). Ông Quý cho biết, năm nay người trồng cà phê rất vui. Dù đã gắn bó với cây cà phê nhiều năm nhưng chưa năm nào giá đạt cao như năm nay. Với giá cà phê hiện tại (ngày 14/12) là hơn 65.000 đồng/kg, sau khi đã trừ các chi phí thì gia đình ông vẫn có lãi 20.000 đồng/kg.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, kết thúc niên vụ 2022 – 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60 kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021 – 2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao kỷ lục từ trước đến nay, giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.
|
Theo Sở NN-PTNT, năm nay diễn biến thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng cà phê tương đối bảo đảm. Bên cạnh đó, giá cà phê tăng cao nhất trong vòng hai năm qua, lại đúng thời điểm thu hoạch nên niềm vui của người trồng cà phê được nhân lên. Dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 – 2024 của Đắk Lắk có thể đạt từ 570.000 – 585.000 tấn, tăng từ 5 – 7% so với niên vụ trước.
Động lực cho phát triển bền vững
Từ niên vụ cà phê 2022 – 2023 đến đầu niên vụ 2023 – 2024, người trồng cà phê chứng kiến giá cao kỷ lục từ trước tới nay. Giá cà phê nhân xô bình quân trên địa bàn tỉnh trong niên vụ 2022 – 2023 là 52.165 đồng/kg (tăng 23% so với giá bình quân niên vụ 2021 – 2022). Riêng trong niên vụ này, cà phê nhân xô đang được thu mua dao động ở mức cao, từ 60.000 – 65.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mức giá này cao hơn nhiều so với vụ trước do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI. Dự kiến mức giá này sẽ còn tiếp tục tăng đến tháng 4/2024 do người dân sẽ hạn chế bán ra, nhưng sẽ khó tăng cao hơn nữa.
Hiện nay, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023 – 2024 được dự báo tăng khoảng 5% do nông dân đang dần tái canh cây cà phê bằng các giống mới có năng suất và khả năng kháng bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại việc chuyển đổi cây trồng khi giá cà phê xuống thấp đang thu hẹp diện tích trồng cà phê ở các địa phương, điều này sẽ khiến sản lượng thực tế giảm so với dự báo.
Theo Sở NN-PTNT, giá cà phê tăng cao đang là động lực cho nông dân chuyên tâm đầu tư cho vườn cà phê. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông để người dân không tăng diện tích, chú trọng chăm sóc tốt vườn cây; nâng cao nhận thức về sản xuất cà phê bền vững, gắn với lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường. Đặc biệt là tái canh vườn cây cà phê già cỗi bằng những giống mới năng suất, chất lượng cao hơn.
Nông dân phấn khởi vì cà phê năm nay vừa được mùa, vừa được giá. Ảnh: Hoàng Gia |
Trong bối cảnh thị trường thế giới đang đưa ra những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đối với ngành cà phê toàn cầu, nhất là thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu khi đưa ra các quy định về chống phá rừng cho sản phẩm cà phê sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu khi quy định dự kiến sẽ chính thức áp dụng vào năm 2024.
Chính vì vậy, ngay từ đầu niên vụ 2023 – 2024, ngành cà phê Đắk Lắk phải triển khai hiệu quả kế hoạch hành động triển khai thích ứng với Quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), chứng chỉ carbon của EU… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định thị trường đặt ra. Đồng thời, cũng là để tận dụng tốt cơ hội về giá trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.
Minh Thuận – Ngọc Thùy