08:54, 26/11/2023
Sống và gắn bó với thiên nhiên (là rừng núi, sông suối, thác nguồn) nên cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên luôn tri ân và nhắc nhở nhau về việc bảo vệ, gìn giữ nguồn sống truyền đời ấy.
Họ không những hành xử với nguồn sống của mình hằng ngày hết sức chuẩn mực, mà ngay trong một số nghi lễ, lễ hội truyền thống được tổ chức, thông điệp đó cũng được mặc định để hướng dẫn các thành viên trong cộng đồng tuân thủ một cách tinh tế và nghiêm cẩn.
Ví như nghi lễ “Bắt máng nước” của người Sê đăng ở Kon Tum, hay “Rước ghế Kpan” của người Êđê ở Đắk Lắk thì việc tạ ơn thần rừng, thần nước là không thể thiếu. Trong lời khấn Yàng (Kriu Yang), chủ lễ bày tỏ sự biết ơn của cộng đồng đến các thần, đồng thời không quên nhắc nhở mọi người nhân dịp này không được phạm đến nguồn sống liên quan – là rừng và nước phải được hết sức tôn trọng và xem đó như sinh thể có ý nghĩa nhằm cố kết sức mạnh cộng đồng.
PGS.TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Tây Nguyên) cho rằng: Nghi lễ, lễ hội truyền thống của hầu hết các tộc người ở đây là thực hành văn hóa, tâm linh nhằm phổ quát những giá trị đạo đức của chủ thể đối với các mối quan hệ chung quanh, trong đó có yếu tố thiên nhiên (đất, rừng, nước) rất được cộng đồng các dân tộc quan tâm, bởi đó là nguồn sống, đồng thời cũng là không gian sống của họ từ bao đời nay.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên này thì mọi nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ – từ tập quán, vòng đời đến chu kỳ mùa vụ nông nghiệp… đều đặt yếu tố thiên nhiên nói trên vào mỗi thực hành văn hóa của mình như yêu cầu/nhận thức về sự sinh tồn và phát triển cho cộng đồng. Ý nghĩa bao trùm ấy chính là điều dễ nhận biết về đời sống vốn gắn bó mật thiết với thiên nhiên, nhất là rừng và nước của các tộc người ở Tây Nguyên, để từ đó sinh thành và sáng tạo nên những giá trị lịch sử, văn hóa giàu bản sắc.
Lễ cúng bến nước của người Êđe ở buôn Ea Tlá, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin). Ảnh: Hữu Hùng |
Trong “Lễ mừng thọ của người M’nông” – Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ngành văn hóa tái hiện và tổ chức hội thảo khoa học nhằm bảo tồn và phát huy di sản này trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023 cũng cho thấy: Tập quán, tín ngưỡng đề cao và tôn trọng thiên nhiên được cộng đồng người M’nông thực hành trong nghi lễ đón lúa từ kho (thường đặt trong rẫy) về nhà để làm rượu ghè, nấu cơm dâng lên cho người được mừng thọ, cũng như đãi đằng khách khứa, được chủ lễ và mọi người hành xử theo luật tục quy định – là không đốn hạ cây rừng, săn bẫy chim chóc, thú hoang…, đồng thời ngừng mọi hoạt động làm ô nhiễm nguồn nước trong thời gian chuẩn bị lễ vật cho ngày lễ nói trên.
Già Y On Liêng Ớt (buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) chia sẻ: Trong ngày diễn ra Lễ mừng thọ, ngoài việc con cháu tri ân công ơn của ông bà, cha mẹ thì thầy cúng thay mặt tất cả thành viên trong gia đình và cộng đồng chứng tỏ đạo đức sống trước thiên nhiên để được che chở, sống lâu bằng lời ân sủng sâu sắc: “Nău rêh tâm bri” (cuộc sống có được nhờ vào rừng). Như vậy Lễ mừng thọ của người M’nông không chỉ là thực hành văn hóa cho một cá nhân/gia đình đơn lẻ, mà ở đó người ta gián tiếp phát đi thông điệp toàn vẹn hơn về đời sống cộng đồng gắn kết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên giúp họ tồn tại và phát triển dựa vào những mối liên quan, tương hỗ trong không gian sống từ cổ truyền đến hiện đại.
Lễ cúng sức khỏe của người Êđê ở buôn T’ria (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar). |
“Nơi nào còn lại bến nước đẹp và đúng nghĩa nhất thì nơi đó thường xuyên thực hành nghi lễ cúng bến nước cổ truyền. Những thông điệp gìn giữ môi trường sống hài hòa được phát đi dưới sắc thái tín ngưỡng và tâm linh ấy được mọi thành viên trong cộng đồng tuân thủ, thực hiện nghiêm cẩn”.
PGS.TS. Tuyết Nhung Buôn Krông
|
Có thể nói thông điệp trên được thể hiện rõ ràng, sinh động và sâu sắc nhất qua Lễ cúng bến nước của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. PGS.TS. Tuyết Nhung Buôn Krông nhìn nhận: Việc bồi đắp và duy trì sự sống cho bến nước của mỗi buôn làng luôn là đòi hỏi tự thân đặt ra cho tất cả các thành viên trong cộng đồng – và trên thực tế, đòi hỏi ấy đã được các dân tộc người bản địa đáp ứng bằng hình thức vận dụng tín ngưỡng vạn vật hữu linh hết sức linh hoạt và độc đáo thông qua các nghi lễ, trong đó cúng bến nước là một thực hành văn hóa hữu hiệu nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và gìn giữ nguồn sống/tài nguyên nước cho cộng đồng.
Điều cốt lõi và sâu sắc nhất trong lễ cúng này là đề cao thông điệp gìn giữ toàn vẹn và bền vững không gian sống của chủ thể. Các dân tộc thiểu số ở đây đã biết vận dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để thực hiện một cách khôn khéo và nhuần nhuyễn thông điệp này. Những lời khấn yàng và các thần (Kriu Yang) trong lễ cúng bến nước đều có nội dung cầu xin, nhắc nhở các thế lực siêu nhiên cùng con người sống và hành xử với tâm thế biết ơn, nâng đỡ nhau một cách nhân văn nhất.
Góc nhìn trên được nhiều người đồng tình và chia sẻ, cứ mỗi lần cúng bến nước thì ý thức bảo vệ nguồn sống của buôn làng được nâng cao nhờ sự chi phối, dẫn dắt của yếu tố tín ngưỡng và tâm linh bao đời ngự trị trong đó. Những lời khấn: “Ơ…Yàng, hãy cho chúng tôi nguồn nước mát lành để không ai đau ốm, bệnh tật. Chúng tôi không xâm phạm đến chỗ ở của các thần (nước, rừng) mà còn đem lễ vật gạo nếp, heo, gà dâng tặng” được coi là văn bản “cam kết” không thể bội tín, nhằm bảo đảm và hướng tới một đời sống cân bằng về vật chất cũng như tinh thần trong mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Đình Đối