08:10, 30/11/2023
Có hàng triệu người đang làm nghề giáo, nhưng không phải ai cũng là nhà giáo theo đúng nghĩa tối thiểu của hai từ giản dị mà cao quý này. Không ít người dạy học, nhưng chỉ là “thợ dạy”.
Khi sinh viên ít thích học, chỉ thích “hành”
Để trở thành giáo viên, trước tiên bạn phải tốt nghiệp đại học, với trình độ cử nhân. Luật Giáo dục hiện hành quy định như vậy, trừ giáo viên mầm non (chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng). Song, tốt nghiệp trường đại học sư phạm mới chỉ là cử nhân sư phạm, chưa phải là nhà giáo. Cử nhân sư phạm phải qua tập sự nghề dạy học, cho đến khi đủ khả năng đứng lớp, mới được tuyển dụng làm giáo viên. Người giáo viên đó phải trải qua thời gian dài dạy học, tích lũy đủ tri thức, kinh nghiệm, cả nghiệp vụ lẫn đạo đức mới trở thành nhà giáo.
Thầy và trò lớp Tin học ứng dụng – 02THA4, khóa 2023 – 2025, hệ 9+3 Trường Trung cấp Tây Nguyên. Ảnh minh họa |
Điều đó cho thấy, điều kiện đầu tiên để trở thành nhà giáo là phải học đủ kiến thức đại học. Thế nhưng, thực tế ở các trường đại học hiện nay, phần đông sinh viên ít thích học, mà chỉ thích “hành”. Các giảng viên đại học sư phạm cho biết, trừ một số ít sinh viên giỏi thì thích thú với việc học, còn lại đều tỏ ra miễn cưỡng với việc lên lớp nghe giảng, lên thư viện đọc sách. Thế nhưng, họ lại rất hào hứng với những tiết học ngoại khóa, và nhất là các đợt kiến tập, thực tập dạy học ở các trường phổ thông. Họ thích “hành” hơn là thích học.
Không thích nghe thầy giảng, ít chịu đọc sách, thì lấy đâu ra kiến thức mà lên lớp làm giáo viên? Vậy mà, họ vẫn dạy được. Họ vẫn hoàn thành các kỳ kiến tập, thực tập, và loay hoay thế nào đó để cuối cùng vẫn đủ điểm tốt nghiệp đại học.
Cầm tấm bằng cử nhân, dù thực chất những sinh viên đó chỉ muốn học làm thợ – một công việc mang tính thực hành nhiều hơn lý thuyết. Và kết cục là, thợ chẳng ra thợ, thầy cũng chẳng ra thầy!
Thầy giáo và thợ dạy
Trong tiếng Việt, người làm nghề chuyên nghiệp, đạt đến một trình độ nhất định, mới được gọi là “nhà”. Chẳng hạn, người viết văn, viết báo phải chuyên nghiệp và đạt đến trình độ cao, thì mới gọi là “nhà văn, nhà báo”. Nhà giáo cũng như vậy, đó là người làm nghề dạy học đạt đến trình độ bậc thầy.
Từ đòi hỏi đương nhiên đó, đối chiếu với thực tế hiện nay, cho thấy người làm nghề giáo thì nhiều nhưng không phải ai cũng là nhà giáo. Không ít người làm nghề giáo thâm niên nhưng vẫn chỉ là “thợ dạy”.
Nhà giáo huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký, người bị liệt hai tay, viết bằng hai chân, tác giả sách “Tôi đi học” từng nói rằng, người thầy không phải là thợ dạy, chỉ cần có kiến thức là đủ. Nếu chỉ vì kiến thức, học trò không cần đến trường, các em ở nhà đọc sách và tìm kiến thức ở rất nhiều kênh thông tin. Người thầy khác với người thợ là phải truyền vào tâm hồn học sinh cảm hứng làm người tử tế, giúp các em trưởng thành hơn sau mỗi tiết học. Thầy giáo, không chỉ là người dạy kỹ năng, trao kiến thức, mà còn phải là người truyền cảm hứng học hành, rèn nhân cách cho học sinh.
Người thầy khác “thợ dạy” như thế nào? Về nghiệp vụ, “thợ dạy” răm rắp tuân theo sách giáo khoa, sách tham khảo, chương trình chuẩn, quy trình lên lớp… Người thầy luôn tạo ra những bài giảng theo cách của mình, không giống ai và cũng chẳng bao giờ lặp lại chính mình. Cao hơn thế là sứ mệnh, “thợ dạy” sẽ từ chối nếu phải nhận một mức thù lao không xứng đáng. Người thầy sẽ chấp nhận dạy, kể cả khi không được trả một đồng nào, vì cái mà anh ta đạt được không chỉ là tiền bạc (theo TS. Nguyễn Ngọc Minh).
Thợ cho ra thợ!
Có ý kiến nói, làm “thợ dạy” cũng tốt, miễn là hoàn tất nhiệm vụ dạy học của mình. Nếu đòi hỏi người dạy học nào cũng là người thầy thì lấy đâu ra đủ nguồn nhân lực cho nền giáo dục?
Tôi cũng là một người đã đến trường để học trong suốt 16 năm từ tiểu học đến đại học, đã được học rất nhiều người thầy và cả “thợ dạy”, cũng có tham gia dạy học và làm nhiều nghề khác. Tôi nhận thấy: Để trở thành một người thầy là rất khó, nhưng đã dạy học thì phải trở thành người thầy.
Có thể bạn khởi đầu nghề dạy học như một “thợ dạy”, nhưng người thợ ấy phải nỗ lực để trở thành người thầy, nếu muốn theo đuổi nghề dạy học. Bởi vì, nghề dạy học là một nghề mang tính đặc thù. Sản phẩm của giáo dục không phải là một thứ hàng hóa như bao thứ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Sản phẩm của giáo dục con người, với đầy đủ thể chất và tinh thần, có kỹ năng sinh tồn và sống có đạo đức, có tâm hồn. Nghề giáo là một nghề đặc thù mà nhiều nghề khác không có, vì nó mang sứ mệnh thiên chức, theo cách hiểu của dân gian đó là chức năng cao cả do trời đất giao phó. Nói một cách ngắn gọn là: “Trồng người”.
Nghề giáo đòi hỏi cao người thầy, chính là như thế. Vì vậy, nguồn nhân lực giáo dục chưa đáp ứng được đòi hỏi này, đó là một thực tế. Vậy thì, làm “thợ dạy” cũng được, nhưng thợ cho ra thợ. Một giáo viên hoàn thành một tiết dạy, một buổi lên lớp, theo yêu cầu của chương trình và đúng với Luật Giáo dục, vậy là được rồi. Và cứ thế mà phát triển dần để thành người thầy. Thợ cho ra thợ thì thầy mới ra thầy!
Minh Tự