Phát triển công nghiệp cơ khí:
08:20, 18/09/2023
Đắk Lắk là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp cơ khí, thời gian qua, ngành này đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghiệp cơ khí đang đối mặt với nhiều thách thức.
Quy mô nhỏ, sản xuất manh mún
Hoạt động sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh trước đây đa phần là cơ sở nhỏ lẻ, đến nay đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng gần 2.000 DN, cơ sở sản xuất cơ khí. Điều đáng ghi nhận là nhiều thiết bị, dây chuyền chế biến nông – lâm sản trước đây phải nhập khẩu thì đến nay DN địa phương đã làm chủ được công nghệ, quy trình sản xuất.
Đặc biệt, các sản phẩm như bơm tưới, béc tưới, thiết bị, hệ thống dây chuyền chế biến cà phê không những chiếm lĩnh phần lớn thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra nước ngoài.
Sản xuất hàng cơ khí tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch Vụ – Xuất nhập khẩu Đăng Phong. |
Mặc dù số lượng cơ sở sản xuất, chế tạo cơ khí không ít, nhưng ngành cơ khí đang phát triển chậm và bộc lộ nhiều hạn chế. Đa phần có quy mô nhỏ, nhân sự chuyên môn thấp; trang thiết bị, công nghệ và trình độ quản lý sản xuất còn yếu; sản xuất manh mún, sự hợp tác lỏng lẻo… Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ cơ khí địa phương tuy đã có nhiều điểm sáng, nhưng vẫn chưa bắt kịp sự phát triển tiến bộ khoa học chung. Đào tạo chuyên ngành cơ khí chưa được quan tâm đúng mức, giáo trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên, liên tục kiến thức tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, thiếu sự kết nối giữa các đơn vị đào tạo và các DN cơ sở cơ khí trong tỉnh.
Đặc biệt, việc liên kết, hỗ trợ nhau từ khâu cung ứng nguyên vật liệu đến gia công, chế tạo còn nhiều hạn chế, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Đơn cử như trong gia công cắt gọt kim loại, nhiều cơ sở đầu tư máy tiện CNC, nhưng công suất hoạt động chỉ đạt 30%, nếu liên kết gia công cho cơ sở khác sẽ mang lại hiệu quả cao, khai thác tối đa công năng của máy móc, thiết bị.
Do quy mô nhỏ, năng lực chưa mạnh nên việc tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới cũng là thách thức lớn đối với DN cơ khí Đắk Lắk. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, nhiều DN chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, bị động và chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh. “Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới đòi hỏi các DN muốn tham gia vào cuộc cách mạng này cần phải có nguồn nhân lực, đội ngũ lao động trình độ kỹ thuật cao làm chủ công nghệ, máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao có rất ít trong các DN cơ khí”, ông Đạt nhấn mạnh.
Nâng tầm công nghệ và liên kết sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Vượng, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp cơ khí, nhưng trong triển khai thực hiện cơ chế chính sách còn chậm, nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Vượng, giải pháp quan trọng mà địa phương cần thực hiện là thu hút các công ty, tập đoàn chế tạo có tiềm lực, thương hiệu mạnh trong và ngoài nước, với những ưu đãi có sức hấp dẫn nhằm thực hiện chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Trong đó, đặc biệt tập trung vào các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí có lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh. Đồng thời, xúc tiến đầu tư với DN nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ theo hướng chọn lọc các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Về công nghệ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN mua thiết kế, công nghệ, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất và áp dụng mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, qua đó đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một doanh nghiệp cơ khí hoạt động trong Cụm công nghiệp Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột. |
Các nhà quản lý cũng cho rằng, tỉnh Đắk Lắk cần hình thành các cụm gia công sản xuất cơ khí. Cụ thể, cần ưu tiên xây dựng các cụm gia công sản xuất cơ khí phục vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ DN ngành cơ khí áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất.
Về hoạt động sản xuất, tỉnh cần có chính sách tạo thị trường cho DN cơ khí tham gia thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình về máy móc, thiết bị trong các dự án của tỉnh. Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn trong lĩnh vực cơ khí quy mô chuỗi cung ứng lớn để tạo cơ hội cho DN tham gia cung cấp phụ tùng linh kiện cho đơn vị sản xuất, lắp ráp cuối cùng, trong đó, chú trọng các ngành có tiềm năng phát triển như ô tô, thiết bị công nghiệp, cơ khí gia dụng.
Về đào tạo, địa phương cần có chính sách đồng bộ và đủ mạnh để thu hút người tài trong lĩnh vực cơ khí. Đối với các trường nghề, cần xem xét lại chương trình đào tạo, ưu tiên đào tạo nhân lực các ngành về công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số, chế tạo các loại máy móc, thiết bị tự động hóa. Bên cạnh chế độ đãi ngộ của Nhà nước, các DN sử dụng lao động trình độ cao cần có những đãi ngộ hấp dẫn về thu nhập, môi trường làm việc để giữ chân họ ở lại trong ngành.
Theo thống kê sơ bộ của Hội Cơ khí Đắk Lắk, sản phẩm máy móc, thiết bị chế biến cà phê của các doanh nghiệp địa phương chiếm gần 100% thị trường toàn tỉnh; thiết bị béc tưới phun sương, ống nước chiếm 70 – 80%; bơm tưới các loại chiếm 95% thị phần… |
Minh Chi