Sản phẩm OCOP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm mà còn góp phần đưa hình ảnh tươi đẹp, con người giàu bản sắc ở buôn làng Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là “liều thuốc” đánh thức các tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của những sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền, từng cộng đồng dân cư. Sản phẩm OCOP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần đưa hình ảnh tươi đẹp, con người giàu bản sắc ở buôn làng Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
OCOP về buôn
Những buôn làng trên Tây Nguyên hùng vĩ luôn có sắc thái riêng về đời sống văn hóa, tinh thần tạo sự đa dạng trong thống nhất với các dân tộc anh em. Đây cũng là thế mạnh để phát huy bản sắc gắn với phát triển kinh tế, nhất là khi OCOP về buôn đã góp phần khai phá tiềm năng, tạo thế và lực mới cho các sản phẩm ở buôn làng Tây Nguyên.
Tại Đắk Lắk, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) được biết đến với sản phẩm thổ cẩm dệt tay theo phong cách truyền thống bao đời nay của người Ê Đê. Trên các sản phẩm váy, áo, khăn… của hợp tác xã luôn toát lên sự tinh xảo với hoạ tiết, hoa văn… đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên nói chung và của dân tộc Ê Đê nói riêng, đây cũng là yếu tố làm nên thương hiệu của hợp tác xã. Đặc biệt, năm 2023 váy truyền thống Ê Đê của hợp tác xã đạt OCOP 3 sao đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, được nhiều du khách trong nước, đối tác nước ngoài biết đến và đặt hàng.
Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông vui mừng chia sẻ: Buôn Tơng Jú là điểm đến du lịch cộng đồng; xã Ea Kao đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; sản phẩm của hợp tác xã đạt OCOP 3 sao… cộng hưởng các yếu tố trên đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của hợp tác xã.
Đặc biệt, khi sản phẩm đạt OCOP rất thuận lợi trong việc giới thiệu, quảng bá. Nhờ vậy, không chỉ có khách trong nước đặt hàng mà còn có các đoàn khách đến từ nhiều nước như: Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đến tham quan tìm hiểu và đặt mua sản phẩm.
“Riêng năm 2023 doanh thu của hợp tác xã đạt 2 tỷ đồng. Đến nay, hợp tác xã đang tạo việc làm ổn định cho hơn 45 lao động là người Ê Đê với mức thu nhập khoảng 3-5,5 triệu đồng/tháng. Trong thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục nâng cao chất lượng, nâng hạng OCOP, tăng cường giới thiệu sản phẩm để phát triển sản xuất. Điều này không chỉ giúp cải thiện kinh tế mà còn đưa hình ảnh, nét đẹp văn hóa của người Ê Đê đến với bạn bè trong nước và quốc tế,” bà H’Yam Bkrông chia sẻ.
Thị trấn Phước Cát, huyện Đạ Huoai cách trung tâm tỉnh Lâm Đồng gần 200 km, là địa phương vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên trước đây đời sống kinh tế-xã hội rất khó khăn.
Từ khi được chương trình nông thôn mới “phủ sóng,” bộ mặt của Phước Cát đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một trong những điểm sáng và đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016; thành lập thị trấn Phước Cát năm 2018. Đặc biệt, chương trình OCOP đã và đang góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc ở địa phương này.
Chị Bế Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bản Cacao (thị trấn Phước Cát) cho biết, năm 2020 bắt đầu khởi nghiệp bằng việc chế biến cacao thành các loại bột, bơ và chocolate. Đến năm 2022, sản phẩm mang thương hiệu “Bản Cacao” đã được tỉnh Lâm Đồng chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Đây cũng là dấu mốc và cơ sở quan trọng để doanh nghiệp tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hiện tại, sản phẩm do công ty sản xuất đã có mặt trên kệ hàng ở nhiều thành phố lớn, điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước, trên các nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, công ty còn cung cấp các nguyên liệu cacao cho các nhà máy sản xuất trong nước và quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Á và kỳ vọng sản phẩm OCOP sẽ còn vươn xa đến nhiều thị trường khác cả trong và ngoài nước.
“Đến nay, doanh nghiệp cũng liên kết với 20 hộ dân sản xuất cacao và tạo việc làm cho hàng chục nhân công là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Điều này không chỉ giúp bà con nông dân vùng cacao “cởi bỏ” lo lắng về đầu ra khi thu hoạch mà còn tạo công ăn việc làm ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở vùng xa của tỉnh Lâm Đồng,” chị Bế Thị Thu Huyền chia sẻ.
“Chắp cánh” cho sản phẩm OCOP vươn xa
Chương trình OCOP không chỉ khai phá tiềm năng của vùng đất đỏ Bazan màu mỡ mà còn góp phần “chắp cánh” cho những sản phẩm của buôn làng vươn xa, chinh phục người tiêu dùng toàn cầu.
Tỉnh Gia Lai hiện có 346 sản phẩm OCOP, trong đó có 47 sản phẩm đạt 4 sao; 280 sản phẩm đạt 3 sao; 5 sản phẩm đang đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Vũ Ngọc An, các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai khi tham gia giao thương hàng hóa đã tăng mức tiêu thụ 20% so với khi chưa tham gia chương trình. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP đang dần khẳng định giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước.
Các sản phẩm được công nhận OCOP đã có bước tiến rõ nét về chất lượng, đa dạng về mẫu mã. Một số sản phẩm đã xuất khẩu thành công sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, đánh dấu sự phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững theo giá trị sản phẩm, đảm bảo cung ứng chất lượng, số lượng cho thị trường khó tính.
“Để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển bền vững, mang đặc trưng vùng miền Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại để sản phẩm đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 5 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá, phục vụ nội địa và khách du lịch, đồng thời xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai với tên miền http://ocopgialai.vn,” ông Vũ Ngọc An cho hay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 240 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao. Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng hoàn thiện các tiêu chí, nâng cấp chất lượng và đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) như: Càphê, cacao, mắcca… đây đều là những sản phẩm có nhiều tiềm năng, thế mạnh, mang đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên và đang tham gia vào thị trường quốc tế. Qua chương trình OCOP, tỉnh đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp và hướng đến việc tăng cường xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực, qua thời gian triển khai cho thấy giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt trong nâng cao năng lực quản trị, chế biến và thương mại.
Quy mô sản phẩm OCOP của các chủ thể còn khiêm tốn, xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP. Do đó, để đưa sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa, trong thời gian tới cần phải quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế trên.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho rằng việc triển khai chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Chương trình nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
“Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử. Mặt khác, xây dựng các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh và cả nước. Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là các sản phẩm chủ lực, đặc sản truyền thống của địa phương; khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ mới trong chế biến và bảo quản… từng bước gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP,” ông Nguyễn Thiên Văn nhận định./.
(TTXVN/Vietnam+)
nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tay-nguyen-san-pham-ocop-tiep-tuc-duoc-nang-tam-o-ca-trong-va-ngoai-nuoc-post1004657.vnp