Ngày 21/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên Bùi Khánh Toàn; Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Nguyên Duy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị hữu quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trung ương (Ảnh chụp qua màn hình).
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường công tác an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm; các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đã có nhiều kết quả tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, công tác triển khai vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, còn để xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ở Khánh Hoà, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp…
Theo thông tin của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.138 người mắc (tăng 1.432 ca so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 10 vụ quy mô mắc trên 30 người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ).
Tại tỉnh Đắk Lắk, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 33 người nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển, đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ý thức của một bộ phận người dân về lựa chọn thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày còn hạn chế…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách, về tổ chức thực hiện ở cơ sở và các cơ quan, đơn vị để đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm xảy ra ở mức độ thấp nhất, gây tử vong ít nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành y tế điều tra nguyên nhân khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. UBND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đồng thời triển khai hiệu quả các văn bản của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Các đơn vị trực thuộc ngành y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong các khâu chế biến; đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ và biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp…