15:06, 27/12/2023
Không phải bỗng dưng mà mở đầu bài thơ “Tây Tiến”, nhà thơ Quang Dũng lại nhắc ngay đến sông Mã. Từ dưới xuôi ngược lên vùng cao Thanh Hóa sẽ tận mắt thấy con sông này đúng là thủy đạo huyết mạch của xứ Thanh, ấy là sông Cái, sông Mẹ của dải đất này.
Đoàn quân Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm xưa còn có tên gọi là Đoàn Vũ trang tuyên truyền biên khu Việt – Lào không chỉ ngược xứ Thanh mà còn tỏa ra nhiều nơi trên vùng Tây Bắc. Bài thơ “Tây Tiến” ra đời trong những tháng ngày gian lao nhất. Người lính vượt qua gian khổ, hy sinh bằng tinh thần yêu nước và lãng mạn của tuổi đôi mươi, nếu không họ đã gục ngã. Bài thơ đặc sắc, bút pháp tả thực mà tài hoa, lãng mạn, nhân vật hiện lên hào hoa, lãng tử. Một “Tráng sĩ hành” của thời hiện đại.
Có đi mới biết địa danh của đất Việt cũng đã xa thăm thẳm. Từ TP. Thanh Hóa lên cửa khẩu Tén Tằn của huyện Mường Lát dài cả trăm cây số mà đường sá quanh co, núi non hiểm trở, bây giờ đã vậy, huống chi ngày xưa. Còn địa danh Lào thì gần nhất từ cửa khẩu Na Mèo sang Sầm Nứa cũng 85 cây số, còn nếu mơ mộng “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” thì phải gấp 10 lần, nghĩa là 850 cây số tính từ biên giới nơi này. Không biết vì sao nhà thơ Quang Dũng không viết “Nhạc lên Viên Chăn xây hồn thơ” mà lại viết “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”? Có lẽ là cách nói đặc thù của đồng bào miền núi nơi đây.
Lên vùng cao Thanh Hóa, tôi nghe chiến sĩ biên phòng, cán bộ, người dân ai cũng thuộc bài thơ của Quang Dũng. Bài thơ có tuổi đời chừng 80 năm dài bằng cả một đời người nhưng hình như không biết đến nếp nhăn tuổi tác. Và nhiều địa danh heo hút của xứ Thanh như Sài Khao, Mường Lát nhờ bài thơ này mà được nhiều người gần xa biết đến, vẫn bền bỉ với thời gian…
Chợ phiên vùng cao Thanh Hóa giáp biên giới Việt – Lào. |
Tôi đến Mường Lát cũng vào mùa xuân. Những câu thơ dội vào trí nhớ: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”.
Xe chạy mải miết một ngày từ TP. Thanh Hóa “Tây Tiến” lên miền núi, ngược nguồn con sông Mã như ngựa chứng thủy thần tung bờm trắng xóa, một bên núi cao dựng đứng, một bên vực sâu, hoặc là sông suối quanh co, hiểm trở. Còn dọc đường tre mọc như ngàn vạn năm trước, hèn chi Nguyễn Duy viết bài thơ “Tre Việt Nam” cũng bắt nguồn từ vương quốc tre xứ Thanh. Hoàng hôn buông xuống, cả đoàn mới dừng lại ở cột mốc biên giới Việt – Lào trong ánh tà huy cuối ngày vàng tươi như ký ức.
Anh lính biên phòng có gương mặt khắc khổ, nước sạm màu nắng gió biên thùy, có vẻ già trước tuổi trò chuyện với chúng tôi. Đang nói về xuất xứ con sông, anh chợt đọc lên câu thơ Quang Dũng rất tự nhiên: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi…”. Người nghe chợt ồ cả lên khoái cảm trong chiều hôm biên viễn. Chỉ chừng đó thôi mà Tây Tiến đã dậy sóng trong lòng nghe nôn nao khó tả.
Xe quay lại thị trấn Mường Lát cách đó không xa lắm. Bản Lát của đồng bào, của người lính – thi sĩ Quang Dũng ngày trước nay đã thành thị trấn huyện lỵ Mường Lát. Phố núi hiện ra trong sương khi màn đêm rơi xuống nhác trông như thể những pháo đài sơn cước của cao nguyên núi đá trong các bộ phim dã sử.
Không có hoa, hay đúng hơn hoa rừng thấp thoáng dọc đường, chỉ có sương ngập tràn trước mặt trong ánh điện đường. Phố núi vẫn vắng và hơi lạnh lan tỏa từ núi đá, khi buổi tối đến rất sớm và chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi đi bộ tìm một quán cơm. Một vài đĩa thức ăn cũng là đồ nhắm đem ra với rượu trắng mở màn làm cho câu chuyện hưng phấn, râm ran. Ai nấy thăng hoa uống cạn từng chung như tận hưởng cảm giác tưởng chừng như sống lại một đêm Quang Dũng. Khi đã lâng lâng, chúng tôi bắt đầu hát, cảm giác như núi rừng Mường Lát cũng ngả nghiêng. Chợt nhớ hai câu thơ: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”, những câu thơ tả thực hay đến nao lòng của một thời chiến chinh vệ quốc thành dấu mốc son trong sử sách.
Hôm sau, chúng tôi chia tay Mường Lát khi sương mù còn giăng mọi nẻo. Tạm biệt một câu thơ Quang Dũng đặc sắc đã có một đời sống rất sinh động của mình giữa thế gian, từ thành phố xa hoa cho đến nơi thâm sơn cùng cốc: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Chỉ cần một “Tây Tiến”, tráng sĩ và thi sĩ Quang Dũng đã được trải thảm đỏ ngay dưới chân mình cho một lối đi riêng biệt hầu như chẳng giống ai: độc nhân, độc hành và độc đáo trong hành trình thi ca hiện đại nước Việt.
Phạm Xuân Dũng