03:48, 17/11/2023
Các lễ hội truyền thống, các ngày hội của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh không chỉ làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng các dân tộc anh em.
Ở các lễ hội, mỗi hoạt động đều có sự gắn kết của cộng đồng. Sự tham gia của đông đảo người dân, du khách chính là sự cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho các chủ thể thêm trân trọng và gắn bó với văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Trò chơi dân gian bắt lợn được đông đảo người dân tham gia cổ vũ tại Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar). |
Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Krông Ana là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Êđê, M’nông, Mường, Tày… sinh sống trên địa bàn huyện.
Đã qua 6 lần tổ chức, lần nào ngày hội cũng được người dân quan tâm hưởng ứng tích cực. Hội tụ trong ngày vui, ngoài việc cùng nhau tranh tài qua những trò chơi dân gian sôi nổi, hào hứng, vui tươi, đại diện các dân tộc còn thi thố, trình diễn những nét văn hóa độc đáo nhất qua các điệu hát, nhịp chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc, thi rượu cần ngon, dệt thổ cẩm, đan gùi, làm cây nêu… tạo thành một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Chính sự độc đáo đó đã thu hút nhiều du khách xa gần về tham dự.
Đến với ngày hội năm 2023, nhiều người bày tỏ sự thích thú khi được giao lưu, tìm hiểu về đời sống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện. Bà H’Krăm Bkrông (buôn Tơ Lơ, xã Ea Na) kể rằng khi bà trình diễn nghề làm gốm, rất nhiều người đến hỏi thăm, tìm hiểu từ kỹ thuật đến ý nghĩa, qua đó bày tỏ sự yêu thích và đặt mua sản phẩm làm quà lưu niệm, động viên nghệ nhân gìn giữ nghề truyền thống.
Những ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số ở các địa phương trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng các dân tộc như vậy.
Ngoài phần trình diễn văn hóa, thi tài các trò chơi dân gian đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi, gắn kết cộng đồng, mỗi ngày hội là dịp thể hiện sự đa dạng trong ẩm thực của các dân tộc.
Mỗi thôn, buôn, mỗi dân tộc đều tự hào giới thiệu về các món ăn truyền thống của dân tộc mình, như người Êđê với món canh cà đắng cá khô; người Mường với món cá om, bánh dầy; người Thái thể hiện sự độc đáo với cá nướng, xôi ngũ sắc… Đây vừa là dịp giới thiệu những món ăn đặc sắc của mỗi dân tộc, vừa là dịp để cộng đồng các dân tộc anh em cùng quây quần, giao lưu thể hiện sự vui vẻ ấm cúng, đoàn kết.
Phần thi giã gạo sôi nổi tại Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X, năm 2023. |
Trên mảnh đất có nhiều dân tộc cùng chung sống, sự giao thoa về văn hóa mang đến nhiều điều thú vị. Một số món ăn của các dân tộc Êđê, J’rai hay M’nông cũng có cách chế biến gần na ná như nhau; như các món giã, giã cá khô, giã thịt; hay các món nướng, cho đến canh bột, canh môn…
Lý giải điều này, ông Y Sum Êban, già làng, người uy tín ở thôn 8, xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) cho rằng, bởi người dân đều sống gắn bó với rừng nên nguyên liệu đều lấy trong tự nhiên.
Có thể nói, các món đều có sự kết hợp giữa phong tục, giá trị văn hóa cộng đồng và đều có điểm chung là mang đậm hương vị tự nhiên của núi rừng.
Với người dân Tây Nguyên, món ăn ngon nhất sẽ để dành cho người họ quý nhất, có lẽ vì vậy mà bữa cơm của những người anh em, bạn bè ở buôn làng luôn mang lại cảm giác vui vẻ, ấm cúng, dẫu món ăn giản đơn…
Mai Sao