08:41, 28/08/2023
Trước thềm năm học mới, vấn đề được phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo quan tâm nhất vẫn là sách giáo khoa, bởi đây là tiền đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của ngành giáo dục nói chung ở mọi cấp học.
Quan trọng là vậy, nhưng đến nay đã qua 5 năm, ngành giáo dục áp dụng “một chương trình, nhiều sách giao khoa” mà việc biên soạn, chọn lựa sách giáo khoa cũng như việc bán và mua sách giáo khoa vẫn chưa có hồi kết. Vì sao?
Mới đây, phiên giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào chiều 14/8 (được phát trực tiếp đồng thời trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước.
Đây cũng là lần đầu tiên chủ trương, chính sách “mở cửa” giáo dục được tranh biện một cách công khai, dân chủ nhằm hướng đến sự đồng thuận trong sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà (từ việc thực nghiệm chương trình, dạy các môn tích hợp, hay đưa môn lịch sử thành môn bắt buộc…) đều được đề cập, phân tích và lý giải từ nhiều góc độ khác nhau. Trong đó vấn đề sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy và học hiện nay trở nên nóng bỏng hơn hết với nhiều ý kiến đa chiều của giáo viên, học sinh, chuyên gia và cả những người trong cuộc.
Học sinh tìm mua sách giáo khoa tại Nhà sách Giáo dục, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thanh Hường |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cho rằng vẫn cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước và đề nghị Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị bộ sách ấy trên cơ sở nghiên cứu cơ chế miễn phí bản quyền cho mọi đối tượng để giảm giá thành của sách. Bởi hiện tại giá bộ sách giáo khoa (được in ấn, phát hành theo phương thức xã hội hóa) đã tăng từ 2 – 4 lần so với bộ sách cũ. Nguyên nhân khiến giá sách tăng vọt được chỉ ra là do mức chiết khấu quá cao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn chứng: Trước đây, viết sách chuyên khảo cũng được 25% chi phí phát hành, nhưng sách dạng này cả năm chỉ bán được vài quyển; còn sách giáo khoa bán hàng triệu bản, gần như người học bắt buộc phải mua, vậy thì mức chiết khấu từ 29 – 29,5% liệu có hợp lý? Trong khi đó, người đứng đầu Bộ GD-ĐT thì băn khoăn: Có nên làm theo điều đó hay không, vì như thế sẽ ảnh hưởng (thậm chí không phù hợp) với tinh thần đổi mới giáo dục, trong đó có chủ trương “xã hội hóa sách giáo khoa” được triển khai thực hiện gần 5 năm qua.
Vậy phải “dung hòa” thế nào trước hai luồng ý kiến này? Nhiều chuyên gia cũng như cử tri theo dõi phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp này cho rằng, cần thiết phải làm rõ vai trò của Nhà nước trong vấn đề “nóng bỏng” nêu trên – cụ thể là Bộ GD-ĐT phải cầm trịch về việc chuẩn bị nội dung, giữ bản quyền bộ sách để không nhiễu loạn “thị trường” biên soạn, chọn lựa, mua bán sách giáo khoa rối bời trước thềm những năm học mới tiếp theo.
Được biết, ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 213.000 tỷ đồng cho việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian qua. Một khoản tiền khá lớn bỏ ra cho quốc sách giáo dục và những mong sẽ đem lại hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy do thiếu minh bạch, vẫn còn kẽ hở cho lợi ích nhóm thao túng trong việc thẩm định, chọn sách, biên tập, in ấn và xuất bản… nên đã xảy ra tình trạng sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11. Đặc biệt là giá sách không hề giảm xuống mà tăng lên, trở thành gánh nặng cho hàng triệu gia đình có con em đến trường trước thềm năm học mới.
Hy vọng từ những “mổ xẻ” tại phiên giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua sẽ đáp ứng sự mong đợi của quốc dân về nền giáo dục tiên tiến, minh bạch và nhân văn của nước nhà.
Đình Đối