Sáng 12/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức – Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đặt ra vào chiều 11/11 về trách nhiệm quản lý các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành đối với thực phẩm chức năng cũng như mỹ phẩm thì được quản lý theo cơ chế hậu kiểm.
Đại biểu Lưu Văn Đức – Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn (Ảnh:quochoi.vn)
Theo cơ chế này, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc là Sở Y tế. Tùy theo từng loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công thương cũng trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, đã có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn (Ảnh:quochoi.vn)
Đối với các sản phẩm bán trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi, Bộ trưởng khẳng định, nội dung này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo 389, các lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và các tổ chức liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép trên thị trường; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định…
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy Buôn Hồ đặt câu hỏi chất vấn (Ảnh:quochoi.vn)
Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy Buôn Hồ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đặt vấn đề: Theo khảo sát năm 2024, chỉ số hạ tầng viễn thông, internet tăng trưởng khá mạnh trong 2 năm gần đây. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp ở nước ta đang hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ và ứng dụng số. Tuy nhiên, việc tiếp cận băng thông rộng di động của người dân hiện nay chưa nhiều, có sự chênh lệch khá rõ giữa các khu vực, các vùng miền, trong đó ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lại càng khó khăn hơn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ có chính sách gì để hỗ trợ người dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận băng thông rộng di động giữa các vùng, miền trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn (Ảnh:quochoi.vn)
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt về vấn đề phủ sóng internet, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện vẫn còn có “độ vênh” giữa các vùng thành phố với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, cận nghèo về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, đối với các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, chúng ta đã thực hiện phủ sóng, có nguồn lực để đầu tư phủ sóng vào những vùng lõm sóng. Về cơ chế thông thoáng, trong năm nay, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định để có hướng dẫn cụ thể. Về điện thoại di động, Bộ đang xây dựng chương trình, huy động từ Quỹ Viễn thông công ích, ngân sách từ chương trình “Sóng và máy tính” cho em để có đủ máy điện thoại di động (ước tính khoảng 1-1,2 triệu máy; mỗi máy trị giá khoảng 2-2,5 triệu đồng) hỗ trợ, tặng bà con nhằm “phủ sóng” tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo đều có điện thoại thông minh sử dụng.
Trong khuôn khổ phiên chất vấn về lĩnh vực thông tin truyền thông, các đại biểu cũng nêu nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề như: giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/quoc-hoi-chat-van-nhom-van-e-thuoc-linh-vuc-y-te-va-thong-tin-va-truyen-thong