Ngày 30/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị quán triệt, tập huấn quy định pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn San chủ trì hội nghị.
Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2023 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước “chuyển dần từ phương thức quản lý hành chính sang quản lý hành chính kết hợp công cụ kinh tế” trong bối cảnh tài nguyên nước Việt Nam được đánh giá đang đứng trước nhiều thách thức.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm hướng tới cuộc sống an toàn, bền vững.
Nhằm triển khai hiệu quả các quy định về lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt, phổ biến các nội dung cơ bản như: Luật Tài nguyên nước 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất; Thông tư số 22/2024/TT-BTNMT ngày 26/11/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng; Thông tư số 23/2024/TT-BTNMT ngày 26/11/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn San phát biểu khai mạc hội nghị.
Về lĩnh vực Biến đổi khí hậu, đại biểu cũng đã được quán triệt, phổ biến một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quy định về nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quy định xử phạt vi phạm hành chính về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn trong Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; Quyết định 1422/QĐ-TTg ngày 14/11/2024 ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Báo cáo viên truyền đại nội dung tại hội nghị.
Hội nghị là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm kịp thời quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước, lĩnh vực biến đổi khí hậu ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi cá nhân về vị trí, vai trò công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo sự chuyển biến tích cực và đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu dần đi vào nề nếp đúng pháp luật, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý, hiệu quả; giảm thiểu tối đa các vi phạm về tài nguyên nước.
Để hội nghị đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn San đề nghị các báo cáo viên tập trung phân tích rõ các nội dung trọng tâm, các điểm mới có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thi hành các quy định tại địa phương. Các đại biểu tập trung theo dõi và nghiên cứu kỹ lưỡng về các điểm mới, các nội dung chưa rõ, còn có cách hiểu khác nhau, qua đó kịp thời trao đổi, giải đáp nhằm đạt được sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện trong thực tiễn.
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/quan-triet-tap-huan-quy-inh-phap-luat-linh-vuc-tai-nguyen-nuoc-va-bien-oi-khi-hau