08:22, 11/12/2023
Niên vụ cà phê 2023 – 2024 đang bước vào vụ thu hoạch chính nên cần rất nhiều nhân công thu hái. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân công thu hái cà phê, các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp.
Khó thuê nhân công
Năm nay giá cà phê tăng cao nên người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh sẵn sàng trả tiền công thu hái cao hơn mọi năm, dao động ở mức 250.000 – 300.000 đồng/công. Tuy vậy, vẫn khó thuê được người thu hái.
Gia đình anh Chìu Văn Thành (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) có 1,2 ha cà phê đang bước vào vụ thu hoạch, sản lượng ước đạt 1,5 tấn cà phê nhân. Với diện tích này, gia đình anh cần khoảng 4 nhân công làm việc trong 10 ngày mới có thể thu hoạch xong. Năm trước với giá thuê công nhật 220.000 đồng/ngày, anh vẫn dễ dàng thuê được người hái. Năm nay, tuy giá nhân công cao hơn nhưng anh lại không tìm được người làm.
Anh Thành cho hay, hiện nay hầu hết người làm công đều nhận hái khoán “ăn” theo sản phẩm, với giá 1.300 đồng/kg cà phê tươi. Một nhân công có thể hái được từ 4 – 5 tạ cà phê/ngày, mang về khoản thu từ 500.000 – 600.000 đồng nên ít ai chịu đi hái tính theo ngày công. Do vườn cà phê mới tái canh nên anh Thành lo lắng việc người hái chạy theo sản lượng sẽ làm gãy cành, tuốt lá xanh, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tìm thuê người mãi không được, anh đành phải nhờ người thân ở xã Ea Tar đến phụ cùng gia đình thu hoạch, tránh để lâu ngày cà phê chín rụng.
Gia đình anh Chìu Văn Thành (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) tự thu hái cà phê vì không thuê được nhân công. |
Tương tự, gia đình ông Trần Sỹ Hoan (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 4 ha cà phê đang bước vào vụ thu hoạch. Mọi năm chưa đến thời vụ đã có người liên hệ đến hái cà phê thuê. Thế nhưng năm nay, phải nhờ người quen ở các huyện giới thiệu, trầy trật lắm ông mới thuê được 8 người hái. “Năm nay giá cà phê tăng cao nên giá hái khoán cũng tăng từ 1.100 đồng lên 1.300 – 1.500 đồng/kg cà phê tươi. Với số nhân công vừa thuê được, dự kiến 20 ngày gia đình tôi sẽ thu hoạch xong”, ông Hoan cho hay.
Còn gia đình ông Đỗ Lợi (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) có 3 ha cà phê. Với diện tích này, đến mùa thu hoạch gia đình ông cũng cần từ 120 – 130 công thu hái. Đầu vụ khi đang thu bói thì ông Lợi còn thuê được người xung quanh xã. Tuy nhiên, bước vào vụ mùa chính thì cần nhiều nhân công hơn, nhưng lại rất khó thuê được người làm tại địa phương. Chỉ hai vợ chồng hái không xuể nên nhiều năm nay gia đình ông đều phải nhờ họ hàng từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định lên phụ giúp thu hoạch nông sản mới kịp thời vụ.
Linh hoạt các giải pháp
Hiện toàn tỉnh có gần 213.000 ha cà phê, dự kiến sản lượng cà phê năm nay đạt 570.000 – 585.000 tấn, tăng khoảng 5 – 7% so với vụ mùa trước. Do đó, lượng nhân công cần cho việc thu hoạch cà phê năm nay cũng sẽ nhiều hơn so với mọi năm, nhất là tại những vùng trọng điểm có diện tích cà phê lớn. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công khi bước vào mùa vụ thu hoạch, các địa phương đã linh hoạt triển khai những giải pháp, cách làm hiệu quả nhằm bảo đảm nguồn nhân lực thu hái cà phê.
Các hộ dân ở xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) thành lập các tổ đổi công hỗ trợ nhau thu hái cà phê. |
Cư M’gar là một trong những huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh, với gần 38.000 ha, trong đó cà phê kinh doanh là khoảng 36.000 ha, ước đạt sản lượng khoảng 84.200 tấn. Để thu hoạch hết diện tích này, huyện cần rất nhiều nhân công. Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: Hiện nay, nhân công thu hái cà phê chủ yếu là lao động tại địa phương. Mặc dù đã có nguồn lao động lớn từ các nơi khác trở về sau dịch COVID-19 bù đắp một phần, tuy nhiên tình trạng thiếu nhân công vẫn có thể xảy ra khi bước vào thời điểm chính vụ. Chính vì vậy, huyện đã hướng dẫn người dân tiến hành thu hái rải vụ, tức là chín tới đâu hái tới đó chứ không thu hoạch ồ ạt, dồn cùng một thời điểm như trước. Với cách làm này, địa phương vừa bảo đảm được nguồn nhân lực thu hái, tránh gây ra tình trạng khan hiếm nhân công như những năm trước; đồng thời bảo đảm được chất lượng cà phê, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cùng với giải pháp rải vụ, huyện Cư M’gar cũng đã vận động các hộ gia đình tự liên kết lại với nhau thành lập ra các tổ đổi công hỗ trợ nhau trong việc thu hái để kịp thời thu hoạch. Đối với các công ty cà phê lớn đứng chân trên địa bàn huyện, ngoài nguồn lao động tại địa phương thì có thể hợp đồng với các đơn vị bộ đội để vừa làm công tác bảo vệ, vừa thu hái.
Niên vụ 2023 – 2024, toàn huyện Krông Năng có khoảng 23.000 ha cà phê, với sản lượng ước đạt 68.000 – 69.000 tấn. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trước đây địa phương có một lực lượng lớn lao động từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh… vào tìm việc. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, dù giá nhân công tăng cao nhưng lượng người đến hái thuê cà phê lại giảm mạnh do người lao động đã tìm được việc làm tại các công ty, khu công nghiệp tại địa phương.
Người dân huyện Krông Năng thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024. |
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân công cục bộ trong thời kỳ cà phê chín rộ, huyện đã hướng dẫn chính quyền địa phương các xã tiến hành điều tiết, cân đối lao động từ những vùng có diện tích ít hoặc thu sớm sang hỗ trợ những vùng có diện tích cà phê lớn, có thời gian thu hoạch muộn hơn như Ea Tân, Cư Klông.
Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các chủ vườn cà phê chủ động hỗ trợ đổi công cho nhau hoặc tìm kiếm nguồn lao động ở các huyện lân cận và ngoài tỉnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, thời điểm này đang bước vào vụ mùa thu hoạch cà phê chính nên nguồn nhân công lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, ngành nông nghiệp đã tích cực vận động người dân thu hoạch cà phê chọn lọc (hái chín); đồng thời kêu gọi chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang trồng những giống mới đồng nhất chỉ cần thu hoạch 2 – 3 lần nhằm hạn chế sử dụng nhân công tại cùng một thời điểm.
Để giảm áp lực về mặt nhân công, trong thời gian tới, các địa phương cần phải có dự báo nguồn cung lao động để chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở giới thiệu việc làm tìm nguồn lao động cho mùa vụ mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần có các tổ chức đứng ra làm dịch vụ điều phối lao động cũng như hướng dẫn, đào tạo chuyên nghiệp cho lực lượng nhân công để vừa tạo năng suất cao trong lao động, vừa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, giúp sản phẩm thu hái đạt được chất lượng tốt nhất.
Tuyết Mai