08:22, 12/09/2023
Vụ sầu riêng năm 2023 được đánh giá là mùa vụ với nhiều biến động về giá cũng như các vấn đề về liên kết sản xuất và quản lý, sử dụng mã vùng trồng. Do đó, việc nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng là cần thiết nhằm có những giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng này.
“Bẫy giá”… phá vỡ mối liên kết
Hai năm qua, giá sầu riêng đã tăng cao khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được thực thi đã tạo ra cơ hội và động lực mạnh mẽ phát triển ngành hàng sầu riêng, làm gia tăng đáng kể thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp (DN) trong chuỗi ngành hàng này.
Nông dân huyện Cư M’gar thu hoạch sầu riêng. |
Sầu riêng đã thực sự trở thành “niềm vui chung” khi 7 tháng đầu năm 2023, “vua các loại trái cây” đang mang về cho đất nước hơn 1 tỷ USD và dự báo có thể đạt trên 2 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã cảnh báo một năm trước, đó là: “Khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng…”.
Thực tế đã cho thấy, do sự tăng “nóng” về giá đã gây ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn…
Theo các DN, ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã (HTX), nông dân và DN. Các liên kết giữa DN và nông hộ sẵn sàng bị “bẻ gãy” khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, các HTX chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa cho hay, đối với vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, Tập đoàn Vạn Hòa đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Công ty có hợp đồng bao tiêu liên kết với các nhà vườn, nhưng trước thời gian thu mua khoảng hai tháng, thương lái, “cò” sầu riêng ồ ạt xuống các vườn để chốt, đặt cọc gây phân tâm cho người nông dân, khiến nhiều nông dân phá vỡ hợp đồng với công ty. Do đó, việc duy trì cam kết với các đối tác của công ty cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và trong tương lai DN sẽ không thể bao tiêu sản phẩm cho nông dân như đã cam kết.
Cơ sở thu mua, đóng gói sầu riêng của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắc. |
Còn theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk), HTX chưa an tâm về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đặc biệt, trong bối cảnh giá sầu riêng tăng “nóng”, việc tranh mua, tranh bán giữa thương lái, “cò” sầu riêng, DN diễn ra thường xuyên khiến các nhà vườn khó nhận biết được đâu là giá thật, đâu là giá ảo. Cùng với đó, HTX vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng. Do những vấn đề trên, nên các thành viên HTX Tân Lập Đông mới chỉ đồng ý bán khoảng 20% sản lượng trong tổng số 1.400 tấn.
Cần tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững
Đến nay, cả nước có hơn 112.000 ha sầu riêng, với tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn, tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; Đông Nam Bộ và một số địa phương khác. Riêng Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000 ha (đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Tiền Giang), trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch, với sản lượng ước tính khoảng 200.000 tấn; sản lượng trên diện tích được cấp mã vùng trồng khoảng 47.300 tấn, chiếm 25% tổng diện tích.
Từ việc nhận diện đúng thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng niên vụ 2023, các DN cho rằng, cơ quan chức năng, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân, ổn định giá cả, chất lượng, giúp DN và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua.
Công nhân sơ chế sầu riêng múi cấp đông ở Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, chuỗi liên kết giữa nông dân – HTX – DN đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đưa sản phẩm ra thị trường. Để chuỗi liên kết phát triển bền vững, ba chủ thể này cần phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Đồng thời, cần sớm thiết lập các điển hình liên kết tiên tiến giữa các DN – nông hộ – HTX về mọi mặt.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác – liên kết – thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, DN ngồi lại với nhau. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Nông nghiệp của Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, vì vậy, chính quyền địa phương, DN, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân, giúp họ có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, hiện mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.
Sáng 11/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Báo Nông nghiệp Việt Nam – đơn vị Thường trực Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Tại điểm cầu chính có gần 300 đại biểu tham dự và được kết nối với hơn 1.000 điểm cầu trực tuyến là các sở, ban, ngành thuộc các tỉnh thành có vùng trồng sầu riêng; các chủ vườn, HTX, nông dân, DN, hiệp hội, ngân hàng, tổ chức, nhà nhập khẩu tham gia phát triển chuỗi ngành hàng sầu riêng Việt Nam. |
Minh Thuận