08:42, 24/12/2023
Lắng nghe, ngắm nhìn, trân trọng và chia sẻ nguồn “nhựa sống” quanh ta để rung lên những cung bậc cảm xúc chân thành, mãnh liệt trước hiện thực đời sống muôn màu, muôn vẻ của vũ trụ là thông điệp mà bốn họa sĩ đến từ vùng đất Tây Nguyên và vùng biển Khánh Hòa muốn gửi đến người thưởng lãm thông qua Triển lãm Mỹ thuật mang tên “Nhựa sống dâng đầy” tại Không gian nghệ thuật Hồng Hạc WS. Point (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức từ ngày 14/11/2023 đến 14/1/2024.
Bốn họa sĩ gồm: Lê Vấn, Trương Văn Linh (Đắk Lắk), Hồ Thị Xuân Thu (Gia Lai) và Bùi Văn Quang (Khánh Hòa) đã mang đến triển lãm 20 tác phẩm hội họa với phong cách nghệ thuật, chất liệu thể hiện không giống nhau. Song, họ cùng có chung một điểm, đó là tình yêu với thiên nhiên được khắc họa và gói ghém trong từng ý niệm, cảm thức về “dòng chảy” của thiên nhiên, vạn vật hữu hình cũng như vô hình thoát ra từ ký ức. Mỗi gam màu, nét cọ của họ thể hiện qua từng tác phẩm là thái độ, trách nhiệm của người nghệ sĩ về những gì đang mất – còn trên mảnh đất mà mình đang sống, nhằm mang đến cho người xem cảm nhận đa chiều.
Nhóm họa sĩ thực hiện Triển lãm. Ảnh: Ban tổ chức triển lãm cung cấp |
Họa sĩ Lê Vấn với “Vệt nắng lưng đèo”, “Thuở rừng còn xanh” khiến người đứng trước tranh không khỏi rơi vào trạng thái phân thân – hiện tại đó có thật mà cũng không thực vì sắc màu mờ ảo, mong manh và tưởng chừng như dễ vỡ từ những cánh rừng, vệt nắng được anh tinh tế dẫn dắt bằng chất liệu màu nước trên lụa. Sắc màu và sự biến chuyển không ngừng của thiên nhiên cũng như đời sống đã thôi thúc Lê Vấn lưu lại qua từng tác phẩm với niềm lạc quan, tin yêu đi cùng tâm sự và một chút hoang mang rằng: Trên khắp núi non, đồi nương, buôn làng, phố xá… đã dần mất đi vẻ đẹp hoang sơ, thuần phác ban đầu. Có những cảnh sắc tươi đẹp và hồn hậu đã giã biệt chúng ta, kể cả màu mưa, sắc nắng cũng đã thay đổi quá nhiều.
Họa sĩ Trương Văn Linh lại chọn con đường sáng tác tranh khắc gỗ (đen – trắng) để gửi tới người thưởng lãm tình cảm mãnh liệt lẫn sự sôi nổi từ đời sống, sinh hoạt thường ngày của nhiều nhóm cư dân trên vùng đất mà anh đã sống. “Tháng Ba Tây Nguyên”, “Bản Tày ở Tây Nguyên” và “Bên Dray Sáp” là những hình ảnh tràn đầy nhựa sống, được Trương Văn Linh khắc họa trên gỗ bằng thủ pháp nghệ thuật đen – trắng đã đem lại cảm giác rất thật cho người xem về mô típ nhà rông, voi, cồng chiêng, thác nước, hàng rào đá… vô cùng gần gũi và sống động. Để chuyển hóa thông điệp trên đến với công chúng, họa sĩ Trương Văn Linh đã diễn tả mọi hình ảnh kia trong không gian đan xen có sáng, có tối nên mặc dù là tranh đen – trắng nhưng mang lại cho mọi người cảm giác rất rực rỡ của ánh sáng.
Poster Triển lãm. |
Còn nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu thì chọn sơn mài để thì thầm và tự sự với mình và mọi người. “Dưới bóng cây Kơ nia” hay “Về bến quê nhà” là nơi chốn mà chị đã nhận ra mình trở nên nhỏ bé trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Vì thế trong hầu hết các tác phẩm của chị là những vòm/tán cây bao trùm lên con người với mong muốn nương nhờ vào đó. Họa sĩ Xuân Thu đã khéo léo tận dụng sự nâng đỡ của chất liệu sơn mài – là những mảng màu đỏ son cùng với lớp matre của vàng, vỏ trứng trắng (không dụng công mài miết) để cố ý tạo ra sự thô ráp, mạnh mẽ, hùng vĩ như vùng đất chị đang sống, khiến người xem dậy lên nguồn sống mãnh liệt nhưng chan hòa, khao khát mà đằm thắm như Tây Nguyên.
Với họa sĩ Bùi Văn Quang, con người trong cuộc sống bình dị hay những ký ức tuổi thơ luôn là nguồn cảm hứng vô hạn. Trong các tác phẩm của anh: “Đôi bạn”, “Đu tiên” là những ký ức được tái hiện lại từ quá khứ, nhưng vẫn vui tươi, bình yên cho những ai sống trong hiện tại. Và đó cũng là nguồn nhựa sống chảy ra xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai – nhờ vậy, những bức tranh sơn dầu tràn đầy tình cảm của người họa sĩ ấy đã chạm đến trái tim người xem và làm sống lại trong tâm hồn mỗi người những niềm tin, ký ức đã dần nguội lạnh.
Đình Đối