06:24, 31/12/2023
Kết thúc năm 2023, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả ấn tượng và khá toàn diện. Đặc biệt, giá trị sản xuất gia tăng ở nhiều mặt hàng, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng là “bệ đỡ” của nền kinh tế.
Bứt phá về giá trị sản xuất
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị tổng sản phẩn nông, lâm, thủy sản ước đạt 22.398 tỷ đồng (tăng 4,88% so với năm 2022, tăng cao nhất trong các lĩnh vực kinh tế của tỉnh và tăng trên 1,4 lần so với bình quân chung cả nước); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành đạt trên 100 nghìn tỷ đồng (bằng 109,2% kế hoạch, tăng 13% so với năm 2022).
Một trong những lĩnh vực có bước nhảy vọt về giá trị sản xuất đó là trồng trọt, với sự tăng mạnh về giá của nhiều loại nông sản đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà. Mặt hàng thấy rõ nhất là sầu riêng, sản lượng đạt 225.642 tấn, doanh thu trên 15.000 tỷ đồng (tăng khoảng 5.800 tỷ đồng so với năm 2022). Đối với cây cà phê, sản lượng niên vụ 2023 – 2024 ước đạt trên 564.000 tấn, hiện nay mức giá nhân xô tăng cao nhất từ trước đến nay (65 – 70 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 20 triệu đồng/tấn so với năm 2022) cũng đang góp phần nâng cao giá trị của mặt hàng này. Riêng sản phẩm lúa, gạo, tuy không phải là vùng trọng điểm lúa nước (chỉ với gần 114.000 ha), nhưng năng suất cao đứng thứ hai trong cả nước nên sản lượng lúa khá lớn, đạt trên 794.000 tấn. Với giá lúa tương đối ổn định và tăng cao hơn những năm trước, dao động từ 8,5 – 9 triệu đồng/tấn (tăng khoảng 1 triệu đồng/tấn so với năm 2022) đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng trồng lúa.
Đối với chăn nuôi, đàn gia súc và gia cầm vẫn được duy trì ổn định, với tổng đàn trên 15,5 triệu con (tăng hơn 700.000 con); sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 245.000 tấn (tăng 5.000 tấn); sản lượng trứng các loại ước 368 triệu quả (tăng 3 triệu quả so với năm 2022). Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá thịt hơi giảm… nhưng giá trị sản xuất của các sản phẩm chăn nuôi cũng đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế chung của cả tỉnh.
Mùa vàng cà phê. Ảnh: Hoàng Gia |
Tái cơ cấu ngành đang phát huy hiệu quả
Trong năm 2023, cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực và đã đạt được kết quả khả quan, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra 6 mục tiêu phấn đấu: giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 23.500 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá hiện hành) ước đạt 104.542 tỷ đồng; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 84,4% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 56%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đạt hơn 38%.
|
Trong đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước được điều chỉnh theo hướng hiện đại, đa giá trị, phát huy lợi thế của mỗi địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất và khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang chuyển dần các chuỗi cung ứng sản xuất sang chuỗi cung ứng ngành hàng.
Nhờ đó, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 112 dự án liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có 9 chuỗi cấp tỉnh, 103 chuỗi cấp huyện. Đặc biệt, đã hình thành được một số khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện (huyện Cư M’gar), với quy mô hơn 107 ha; Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk (huyện Cư M’gar) có quy mô hơn 45 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 526 ha do Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đầu tư; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Ea Tân (huyện Krông Năng), quy mô 450 ha…
Cùng với đó, việc phát triển kinh tế tập thể được xác định là điều kiện, tiền đề và cầu nối quan trọng để thúc đẩy liên kết nông dân với doanh nghiệp; hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 535 HTX nông nghiệp (tăng 80 HTX) và 843 trang trại (tăng 79 trang trại so với năm 2022). Trong đó, có 150 HTX có liên kết với doanh nghiệp và 26 HTX nông nghiệp đã có sản phẩm OCOP. Nhìn chung, chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, trang trại đã có cải thiện, góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội có nhiều khó khăn, thách thức thì đây là một kết quả đáng khích lệ của ngành nông nghiệp. Kết quả đạt được là khá toàn diện và tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế tỉnh nhà, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Đặc biệt, cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Minh Thuận