08:20, 26/09/2023
Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, hoạt động du lịch Đắk Lắk sụt giảm đáng kể trên cả hai tiêu chí (số lượt khách và doanh thu) so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, số lượng khách đến đây không quá 48.500 lượt người, giảm gần 30%; doanh thu toàn ngành chỉ ước đạt 33 tỷ đồng, giảm gần 11%. Đây là vấn đề cần lưu tâm trong việc xây dựng vị thế và hình ảnh du lịch Đắk Lắk.
“Mổ xẻ” từ những con số
Nhiều người cho rằng, lẽ ra sau đại dịch COVID-19 ngành du lịch phải “bùng nổ” theo cấp độ năm sau cao hơn năm trước mới đúng quỹ đạo phát triển, nhưng với Đắk Lắk thì không hẳn thế. Theo sở chủ quản, mức sụt giảm của hai tiêu chí nói trên là do thời tiết bất lợi diễn ra trong bốn ngày nghỉ lễ nên lượng khách đặt tour đến đây không nhiều, hoặc có đặt trước cũng bị hủy. Đó chỉ là yếu tố khách quan tác động bất lợi đến một thời điểm nhất định, còn nhìn chung mức tăng trưởng ngành du lịch Đắk Lắk vẫn rất lạc quan. Phòng Quản lý du lịch đưa ra con số: 8 tháng đầu năm 2023, Đắk Lắk đón hơn 830.000 lượt khách, doanh thu đạt 650 tỷ đồng, mức tăng trưởng lần lượt là 16,65% và 15,5% trên cả hai tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022.
Vậy mức tăng trưởng ấy nói lên điều gì về bức tranh du lịch ở đây? Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk phân tích: 8 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Đắk Lắk tăng hơn 90.000 lượt so với cùng kỳ năm trước, trong đó sự kiện Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra vào trung tuần tháng 3 đã thu hút trên 90.000 lượt khách (tương đương với mức tăng trưởng 16,65% mà Phòng Quản lý du lịch đưa ra). Điều đó chứng tỏ bước tiến của ngành kinh tế quan trọng này chưa đáng kể, nếu không nói là đang cầm chừng trong những năm vừa qua. Do đó câu hỏi liệu vị thế và hình ảnh du lịch Đắk Lắk đã thật sự hấp dẫn du khách hay chưa vẫn là mối quan tâm của cộng đồng làm du lịch ở đây.
Nhà dài và không gian xanh ở Khu du lịch văn hóa, sinh thái và cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) thu hút du khách tìm đến, nhưng các dịch vụ, sản phẩm du lịch kèm theo chưa phong phú khiến thời gian lưu trú rất thấp. |
Góc nhìn lữ hành
Dưới góc nhìn của hầu hết các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Đắk Lắk thì lượng khách du lịch trong 8 tháng đầu năm 2023 nói chung và dịp Lễ Quốc khánh 2/9 nói riêng phần lớn là người dân địa phương đến vui chơi, giải trí tại những khu/điểm du lịch hiện có; còn khách ngoài tỉnh đặt tour đến Đắk Lắk rất thấp, chỉ chiếm khoảng 30% lượt khách được thống kê.
Tại sao lại có tình trạng này, mặc dù công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong thời gian qua? Qua tìm hiểu từ một số công ty lữ hành nội địa ở Buôn Ma Thuột thì được biết: Du khách ở các tỉnh thành trên cả nước có xu hướng “quay lưng” với du lịch Đắk Lắk vì những sản phẩm du lịch ở đây, nhất là loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng được xem là thế mạnh và bao trùm nhất thật sự chưa được chất lượng, không đáp ứng yêu cầu của “thượng đế”, nhiều người chỉ đến Đắk Lắk một lần cho biết chứ ít khi quay lại những lần sau.
“Du khách ở các tỉnh thành trên cả nước có xu hướng “quay lưng” với du lịch Đắk Lắk vì những sản phẩm du lịch ở đây, nhất là loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng được xem là thế mạnh và bao trùm nhất thật sự thiếu chất lượng và đẳng cấp nên không đáp ứng yêu cầu của “thượng đế” – anh Nguyễn Ngọc Trung, Công ty Lữ hành Quang Trung Ban Mê tour.
|
Anh Nguyễn Ngọc Trung, phụ trách công tác hướng dẫn đoàn của Công ty Lữ hành Quang Trung Ban Mê tour chia sẻ: Trước hiện trạng chậm đầu tư, đổi mới và nâng tầm chất lượng sản phẩm tại nhiều khu/điểm du lịch ở Đắk Lắk hiện nay, lắm lúc cũng thấy chạnh lòng, vì khi giới thiệu, quảng bá các tour/tuyến cho du khách thì hấp dẫn lắm, đến lúc đưa các đoàn tham quan xuống thực tế lại khác, khiến nhiều người thất vọng. Biết vậy, đành phải tìm mọi cách “chống chế” để có thể làm vừa lòng khách hàng, chứ không còn cách nào hay hơn. Cứ nhiều lần như thế lặp đi lặp lại khiến người ta nghĩ mình là đối tác thiếu tin cậy. Vì thế đến nay, hầu hết công ty kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, thu hút du khách đến đây.
Còn ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch – Thương mại Đam San cho rằng: không thể trách các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn trong “sứ mệnh” tìm kiếm, thu hút du khách đến với Đắk Lắk, vì họ không thể bắt doanh nghiệp khai thác, kinh doanh du lịch (nhất là loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng) làm theo ý mình được.
Việc đầu tư hạ tầng cơ sở, thiết kế và xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng nào là do các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh du lịch tự chủ và quyết định; những đơn vị làm lữ hành ở đây chỉ có vai trò tham mưu, hướng dẫn mà thôi.
Do vậy, tình trạng “quảng cáo một đường, chất lượng sản phẩm một nẻo” trong ngành du lịch ở đây chính là “lỗ hổng” trong việc xây dựng vị thế, hình ảnh “ngành công nghiệp không khói” của Đắk Lắk trên bản đồ du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước.
Theo ông Cơ, tất nhiên một khi sản phẩm du lịch không được nâng tầm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách thì buộc người ta tìm đến với những vùng, miền có sản phẩm du lịch cùng hệ và cùng lợi thế, nhưng chất lượng tốt hơn.
Đó cũng là câu trả lời vì sao trong thời gian qua, lượng khách đến với vùng đất này chưa có sự bứt phá một cách mạnh mẽ, ấn tượng. Thực tế đó cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần quyết tâm trong việc xây dựng hình ảnh của mình thông qua những sản phẩm du lịch có chiều sâu và đồng bộ để mang lại sự hài lòng cho khách hàng, cùng góp sức biến Đắk Lắk trở thành điểm đến thật sự hấp dẫn khi đến Tây Nguyên.
Đình Đối