08:21, 15/01/2024
Huyện Lắk có trên 8.200 ha đất trồng lúa, cùng với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi đã giúp địa phương trở thành một trong những vựa lúa lớn của tỉnh. Phát huy những thế mạnh này, thời gian qua, huyện đã chú trọng canh tác theo hướng an toàn, từng bước nâng cao chất lượng lúa gạo, khẳng định vị thế trên thị trường.
Mở rộng diện tích lúa VietGAP
Giai đoạn 2022 – 2025, huyện Lắk phấn đấu có khoảng 5% diện tích lúa sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và có chứng nhận VietGAP tại một số vùng trọng điểm như: Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng với mục đích chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, quy trình liên kết triển khai thực hiện mô hình trồng lúa VietGAP đang được kiểm soát nghiêm ngặt. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lắk sẽ thuê đơn vị kiểm nghiệm điều tra thông tin sản xuất, hỗ trợ hướng dẫn cơ sở xây dựng, ban hành hồ sơ quy trình thực hành nông nghiệp đối với sản phẩm đăng ký. Các hộ dân tham gia liên kết được đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn VietGAP, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn an toàn lao động, ghi chép sổ nhật ký… Các chủ hợp tác xã (HTX) đứng ra liên kết, chịu trách nhiệm thực hiện kiểm tra và khắc phục lỗi sau kiểm tra nội bộ. Trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị kiểm nghiệm sẽ tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước và sản phẩm cụ thể để phân tích hàm lượng chì và cadimi, cùng 4 nhóm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nước nhằm kiểm tra chặt chẽ mức độ đạt tiêu chuẩn.
Một cánh đồng trồng lúa VietGAP trên địa bàn xã Buôn Tría (huyện Lắk). |
Đến nay, toàn huyện có gần 160 ha diện tích lúa được chứng nhận VietGAP, riêng trong năm 2023 mở rộng được gần 115 ha, với 62 hộ liên kết. Một số hộ dân đã ý thức được tầm quan trọng, lợi ích của việc canh tác lúa VietGAP. Đơn cử như hộ anh Bùi Sơn Cường (buôn Tung 1, xã Buôn Triết) mặc dù chỉ mới năm đầu tham gia liên kết triển khai mô hình, nhưng được hướng dẫn canh tác theo quy trình, kỹ thuật nên tư duy sản xuất của anh dần thay đổi. Anh Cường chia sẻ: “Tôi thấy việc sản xuất theo một tiêu chuẩn thống nhất, về lâu dài không những giúp nông dân giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao giá bán, sức cạnh tranh mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Vì vậy, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP vào vụ mùa tiếp theo”.
Còn anh Phạm Viết Tùng (thôn Hòa Bình 2, xã Đắk Liêng), tham gia liên kết sản xuất lúa VietGAP, được hướng dẫn phun thuốc bảo vệ thực vật theo thời gian quy định, kỹ thuật làm cỏ, bón phân để không gây nhiễm phèn cho đất nên ruộng lúa của gia đình anh sinh trưởng và phát triển rất tốt. So với lúa hữu cơ, anh nhận thấy lúa VietGAP có sức đề kháng tốt, bông lúa trổ đều, đẹp và hạt chắc, sáng hơn nên sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với phương thức sản xuất này.
Để người dân cùng đồng hành
Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk, việc liên kết sản xuất lúa VietGAP về lâu dài sẽ khẳng định giá trị, chất lượng lúa gạo huyện Lắk, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước mở rộng thị trường hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là thời gian đầu mới triển khai thực hiện nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt khiến một số hộ dân vẫn còn e ngại, chưa mạnh dạn đồng hành liên kết cùng HTX sản xuất.
Tại xã Buôn Triết có 17 hộ tham gia, với diện tích 41,5 ha do HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông ngư nghiệp Thái Hải đứng ra liên kết. Ông Nguyễn Ngọc Côn, Giám đốc HTX cho hay, hiện nay người dân vẫn còn e ngại, không dám liên kết, một số thành viên tham gia rồi vẫn còn lo không có đầu ra ổn định, hiệu quả không cao. Vì vậy, HTX đã tuyên truyền những lợi ích của việc canh tác lúa theo hướng an toàn này để vận động bà con cùng tham gia. Đồng thời HTX sẽ liên kết với các công ty thu mua sản phẩm lúa gạo chất lượng cao để mở rộng thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định.
Cán bộ nông nghiệp kiểm tra chất lượng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đắk Liêng (huyện Lắk). |
Trong năm 2023, HTX Sản xuất phân phối giống cây trồng và Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Nguyên cũng đã triển khai dự án liên kết sản xuất lúa VietGAP cho 29 hộ, với diện tích 33 ha. Để người dân cùng đồng hành triển khai mô hình có hiệu quả, HTX đã trình dự án liên kết này để xin kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng/năm từ địa phương. Từ nguồn kinh phí này cùng với vốn của HTX, đơn vị sẽ cấp 5 triệu đồng/hộ để mua vật tư nông nghiệp vào đầu mùa vụ. Đến cuối vụ thu hoạch, HTX sẽ thu mua lúa và giữ lại 3,5 triệu đồng/hộ để làm nguồn vốn cam kết. Với các hộ dân tham gia sản xuất suốt quá trình ba năm triển khai dự án, HTX sẽ hoàn trả lại nguồn vốn này. Đây chính là chính sách tạo sự ràng buộc để người dân canh tác lâu dài nhằm tạo ra hiệu quả bền vững.
Ông Nguyễn Viết Quang cho biết, dự kiến, đến năm 2025, địa phương sẽ xây dựng các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và có chứng nhận VietGAP, với tổng diện tích 800 ha tại những vùng có đủ điều kiện canh tác. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, khuyến cáo, nâng cao nhận thức và đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất, địa phương sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn của một số chương trình hỗ trợ người trồng lúa nhằm tạo điều kiện cho các HTX đứng ra thu hút bà con tham gia liên kết. Đồng thời, tập huấn, chuyển giao cho người dân các quy trình canh tác tiên tiến; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như IPM, ICM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; công nghệ xử lý sau thu hoạch, bảo quản; thay thế dần các giống cũ bằng giống lúa mới cho năng suất và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Khánh Huyền