Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng, địa phương cần có cách tiếp cận mới, trao thêm chế tài để cán bộ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cũng tăng cường nhận thức, hiểu biết của người tiêu dùng để tránh hành vi kinh doanh thương mại gian lận, bảo vệ mình được tốt hơn.
Chiều 30/9, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo quốc tếnâng cao kỹ năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc và Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia -Bộ Công Thương.
Toàn cảnh hội thảo
Chủ trì hội thảo có ông Phan Thế Thắng, Ban Bảo vệ người tiêu dùng -Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia; Bà Grace Cooper, Trợ lý Giám đốc Chương trình Bảo vệ người tiêu dùng (CAP), Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc; ông Nguyễn Văn Nghiêm –Phó Giám đốc Sở Công Thương.
Tham dự hội thảo còn có đại diện Sở, ngành, hội bảo vệ người tiêu dùng và tổ chức có liên quan trong toàn tỉnh.
Ông Phan Thế Thắng, Ban Bảo vệ người tiêu dùng- Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia chia sẻ tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được ghe chuyên gia phổ biến các chuyên đề gồm: Một số nội dung mới quan trọng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Kinh nghiệm của Úc trong phát hiện và xử lý vụ việc bảo vệ người tiêu dùng, cơ chế thực thi pháp luật; Thảo luận nhóm điều tra vụ việc giả định;
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Thế Thắng-Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, Ngày 20 tháng 6 năm 2023, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010.
So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật 2023 bổ sung và hoàn thiện nhiều quy định để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới, trong đó, nổi bật là các quy định về giao dịch đặc thù, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.
Bà Grace Cooper, Trợ lý Giám đốc Chương trình Bảo vệ người tiêu dùng (CAP), Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc chia sẻ kinh nghiệm.
Chương trình Hội thảo sẽ giới thiệu ngắn gọn nội dung của Luật, tập trung vào một số quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Bên cạnh đó, chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm của Úc trong công tác phát hiện và xử lý vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như công tác thực thi pháp luạt bảo vệ người tiêu dùng tại Úc.
Thông qua Hội thảo nhằm kịp thời phổ biến, hướng dẫn áp dụng các quy định mới của Luật, đặc biệt là phát huy vai trò định hướng, hướng dẫn tổ chức thực thi các quy định của Luật từ vai trò các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để thực thi quy định mới của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) năm 2023, ông Phan Thế Thắng, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban cạnh tranh quốc gia nhấn mạnh, với nhiều nội dung mới đòi hỏi địa phương phải có cách tiếp cận mới nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Chúng ta cần phải tham gia tích cực đồng bộ của nhiều cơ quan liên quan đến an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và đồng thời phía địa phương cũng tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định đến các tổ chức cá nhân kinh doanh, những chủ thể có liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng để họ tuân thủ và đảm bảo thực thi đúng. Đồng thời cũng tăng cường nhận thức, hiệu biết của người tiêu dùng để tránh hành vi kinh doanh thương mại gian lận để bảo vệ mình được tốt hơnc thi pháp luật.”-ông Phan Thế Thắng nói.
Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng cơ chế phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và pháp luật về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD); tư vấn, hỗ trợ, nâng cao nhận thức về BVQLNTD tại địa phương; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về BVQLNTD theo thẩm quyền; cơ quan có liên quan ban hành và thực hiện quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường thực thi luật; kiểm tra, theo dõi, đốc thúc các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực thi luật; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng lực thực thi và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
10 điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Với 7 chương, 80 điều, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật 2023) đã quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng. Một là, đối tượng áp dụng: bổ sung nhóm chủ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị – xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Hai là, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; Ba là, sản xuất và tiêu dùng bền vững; Bốn là, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Năm là, các hành vi bị cấm. Sáu là, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Bảy là, một số giao dịch đặc thù:Bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng. Tám là, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội. Chín là, phương thức giải quyết tranh chấp. Mười là, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/nang-cao-nang-luc-cho-can-bo-quan-ly-trong-linh-vuc-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung