09:02, 22/12/2023
Kỳ 2: Những “rào cản” trong lưu thông dòng vốn ODA
Những dự án từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình lưu thông dòng vốn này còn “vấp” phải không ít những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
“Ì ạch” giải ngân
Giải ngân vốn ODA đang được đánh giá là chậm nhất so với các nguồn vốn tại Việt Nam và cũng không phải là ngoại lệ đối với tỉnh Đắk Lắk. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 – 2022, tổng số vốn ODA được phân bổ cho các chương trình, dự án là hơn 161 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 97 tỷ đồng (bằng 60,1% tổng vốn).
Báo cáo tại buổi giám sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh mới đây, Trưởng Phòng Hợp tác đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Tạ Văn Quang cho rằng, các dự án ODA do các bộ, ngành Trung ương là cơ quan chủ quản, trình tự thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian do phải chờ tất cả các tỉnh hoàn tất thủ tục theo quy định. Điều này làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của các tiểu dự án thành phần tại Đắk Lắk.
Chẳng hạn, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Đắk Lắk (Tiểu dự án WB8) đã được HĐND tỉnh cho ý kiến thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 24/6/2022 và Tiểu dự án nâng cấp, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây trồng cạn tỉnh Đắk Lắk thuộc Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị hạn hán đã được HĐND tỉnh cho ý kiến thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 43/NQ-HĐND, ngày 18/11/2022. Tuy nhiên đến nay, các dự án vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương.
Hồ Ea Quang (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) được đầu tư, xây dựng từ Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Đắk Lắk. |
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay đơn vị đang làm chủ đầu tư một dự án ODA là Tiểu dự án nâng cấp, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây trồng cạn tỉnh Đắk Lắk, với tổng số vốn hơn 545 tỷ đồng (tương đương hơn 23,5 triệu USD), trong đó có hơn 464,4 tỷ đồng vốn ODA. Năm 2023, tiểu dự án này được giao kế hoạch vốn ODA 39 tỷ đồng, nhưng không có khả năng giải ngân nên chủ đầu tư đã báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm vốn.
Nguyên nhân không giải ngân được là do có nhiều vướng mắc như: thay đổi giải pháp thiết kế theo yêu cầu của nhà tài trợ, tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đặc biệt, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư gặp nhiều khó khăn do vướng mắc các quy định nên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Quy trình, thủ tục… kéo dài
Thực tế cho thấy, trong những vướng mắc dẫn đến quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA kéo dài thì nguyên nhân liên quan đến quy trình, thủ tục chiếm đa số. Theo các chủ đầu tư dự án ODA, hiện nay quy trình, thủ tục và chính sách của Việt Nam có nhiều khác biệt với nhà tài trợ về những nội dung liên quan đến công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng và tái định cư, thủ tục giải ngân…
Ngoài ra, một số quy trình như phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh dự án… đều phải lấy ý kiến nhà tài trợ trước khi triển khai, dẫn đến quá trình chuẩn bị các thủ tục kéo dài.
Chẳng hạn như Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, do nhà tài trợ không thống nhất với kết quả lựa chọn nhà thầu và do không đủ thời gian nên không thể tiếp tục tổ chức lại quy trình đấu thầu. Vì vậy, một số hạng mục thuộc dự án này không được triển khai thực hiện.
Tình hình giải ngân vốn ODA từ năm 2021 – 2023. Đồ họa: Đức Văn |
Còn đối với Tiểu dự án WB8, đến nay đã hoàn thành, các nguồn vốn ODA đã được giải ngân đầy đủ cho các nhà thầu trước ngày đóng khoản vay (31/10/2023), tuy nhiên đối với nguồn vốn đối ứng đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để bố trí phục vụ chi trả cho những công việc cần thiết đến khi dự án kết thúc (ngày 31/12/2023).
Cụ thể: tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 24/6/2022 của HĐND tỉnh thì nguồn vốn đối ứng được giao kế hoạch cho Tiểu dự án WB8 hơn 53,4 tỷ đồng. Đồng thời, tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND, ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương cũng đã thống nhất bổ sung thêm cho Tiểu dự án WB8 hơn 19 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Từ khi triển khai đến nay, Tiểu dự án WB8 đã được giao theo kế hoạch vốn hơn 23,6 tỷ đồng, số vốn còn lại là hơn 29,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay dự án này mới chỉ được tạm ứng gần 2,3 tỷ đồng cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, còn các khoản: chi phí quản lý dự án, thuế cho các gói thầu sử dụng vốn vay, chi phí tư vấn cho các gói thầu không được sử dụng vốn vay… vẫn chưa có vốn đối ứng để chi trả.
Theo chủ đầu tư Tiểu dự án WB8 là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lý do Tiểu dự án WB8 chưa được giao số vốn đối ứng còn lại là do Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư về cơ cấu nguồn vốn, còn phải chờ ý kiến của HĐND tại 6/34 tỉnh tham gia Dự án WB8 về việc cân đối nguồn vốn đối ứng của địa phương.
Đáng ngại hơn, nếu trong năm 2023 không có vốn thanh toán thì sang năm 2024 dù được bố trí vốn cũng không thể giải ngân vì Dự án WB8 đã kết thúc. Khi đó muốn giải ngân phải tiếp tục điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện Dự án WB8. Điều này khó có thể thực hiện vì không thể điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án WB8 cho một vài tỉnh, trong khi có đến 34 tỉnh tham gia dự án này.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Để vốn ODA thực sự phát huy hiệu quả
Khả Lê