Chiều 13/7, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa X, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng, các đại biểu tiến hành thảo luận tập trung tại hội trường với nhiều nội dung quan trọng.
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường.
Tại phiên làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã trực tiếp thông tin những vấn đề mà đại biểu quan tâm, xoay quanh các nhóm vấn đề như: tài chính, ngân sách, các biện pháp nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước; đầu tư công, điều chỉnh chủ trương đầu tư; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công tác quản lý, bảo vệ rừng; đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn…
Liên quan đến nhóm vấn đề tài chính, ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên cho biết, kết quả thu biện pháp tài chính của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 còn chậm và dự kiến năm 2024 sẽ tiếp tục hụt thu. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản vẫn tiếp tục “trầm lắng”, khiến việc thu tiền sử dụng đất đạt thấp; thủ tục pháp lý liên quan đất đai của các dự án còn gặp khó khăn do liên quan đến nhiều quy định của pháp luật…
Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên phát biểu tại phiên làm việc.
Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên cũng đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện như: các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã dự kiến thu trong năm 2024; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng để tiếp tục tổ chức bán đấu giá đất; các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp thu tiền sử dụng đất; triển khai hiệu quả các biện pháp tăng thu ngân sách, song song với tăng cường tiết kiệm chi…
Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cho biết, nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng, tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Trung ương rất nhiều cơ chế, giải pháp và vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2024/NĐ-CP, ngày 24/5/2024 quy định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại phiên làm việc.
Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung giải tỏa, xử lý các khu vực đang bị xâm canh, xâm chiếm trên đất lâm nghiệp để thu hút các dự án đầu tư trồng rừng nhằm tăng độ che phủ rừng; tập trung trồng rừng bổ sung trên các diện tích đất trống nằm xen kẽ trên diện tích đất của các công ty lâm nghiệp và diện tích đất đã có rừng hiện nay; bảo vệ hiệu quả diện tích 40.000 ha đất lâm nghiệp có cây tái sinh trên địa bàn…
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Tường Hiệp cho biết, vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 12 trường THPT tổ chức thi tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, các trường còn lại tổ chức xét tuyển. Đối với các trường ngoài công lập thì xây dựng phương án tuyển sinh riêng.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Tường Hiệp phát biểu tại phiên làm việc.
Đến thời điểm hiện tại, số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập là 21.218 em (thi tuyển 4.663 em, xét tuyển 16.555 em). Số học sinh trúng tuyển vào các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học không trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và ngoài công lập là 2.043 em. Số học sinh vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các cấp là 3.683 em. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3.075 học sinh theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề (có 5 trường chưa báo cáo). UBND tỉnh đã tổ chức họp, thống nhất chủ trương tăng định mức số lượng học sinh/lớp (44 học sinh/lớp) đối với học sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Như vậy, toàn tỉnh còn hơn 900 em học sinh (sau tốt nghiệp THCS) sẽ được bố trí, khuyến khích vào học tại các trường nghề.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đỗ Tường Hiệp nhấn mạnh, bên cạnh chủ trương tăng chỉ tiêu và số lượng học sinh mỗi lớp, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng kinh phí được giao trong dự toán phân cấp để chi trả chế độ giảng dạy cho giáo viên (tăng thêm) và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục hiện nay; thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về phân luồng sau THCS; làm tốt công tác dự báo nhu cầu và tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô các trường nghề, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; mở rộng quy mô các trường công lập; tăng cường xã hội hóa giáo dục…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại phiên làm việc.
Phát biểu thảo luận tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt hành động để thực hiện thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, chú trọng rà soát lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ nhằm kịp thời đề ra các giải pháp hiệu quả; tiếp tục rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách sau khi các quy định của Luật Đất đai chính thức có hiệu lực để kịp thời tháo gỡ khó khăn; tăng cường giải ngân đầu tư công, thu biện pháp tài chính nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn lực đầu tư trên địa bàn…
Kết luận phiên làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành nghiêm túc tiếp thu các nội dung đại biểu quan tâm, phản ánh, qua đó tiếp tục chỉ đạo điều hành, hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trong thời gian tới.
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/ky-hop-thu-tam-h-nd-tinh-khoa-x-thao-luan-tap-trung-tai-hoi-truong