Huyện Krông Búk nằm phía Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 60km theo Quốc lộ 14, có tổng diện tích tự nhiên 35.767,0 ha, với số dân 66.295, có 07 đơn vị hành chính xã bao gồm các xã: Cư Né, Cư Pơng, Ea Sin, Chứ Kbô, Ea Ngai, Pơng Drang và Tân Lập với 106 thôn, buôn (42 buôn đồng bào dân tộc thiểu số).
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Krông Búk
Huyện có 05 thắng cảnh tiềm năng gồm: Suối Ea Sup, cách UBND xã Ea Sin khoảng 12 km nằm giáp với huyện Cư Mgar; Thác Ea Brơ, nằm cách UBND xã Ea Sin 04 Km; Bến nước buôn Ea Nur, xã Pơng Drang gắn liền với lễ hội cúng bến nước của đồng bào dân tộc Êđê; Suối đá thôn 8, xã Ea Ngai nằm trên trục tỉnh lộ 8; Thác Dray Drak, buôn Khal, xã Cư Pơng có độ cao khoảng 20m.
Ngoài tiềm năng tự nhiên, huyện còn có tiềm năng về văn hóa đó là sự đa dạng về thành phần dân tộc (có 14 dân tộc bao gồm: Kinh, Êđê, Tày, Nùng, Mường, Xơ Đăng, Gia Rai, Dao, Hoa, Khơ Mú, Mán, Cao Lan, Thái, Sán Chỉ) tạo nên sự phong phú về văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ với văn hóa nhà dài, văn hóa lễ hội, văn hóa rượu cần gắn với văn hóa cồng chiêng; các nghề truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ…). Tiếp tục thực hiện Kế hoạch phát triển Du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, trong 6 tháng đầu năm 2020 Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện Krông Búk đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tổ chức thực hiện tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của địa phương để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện cụ thể như:
Hoạt động hội thao tại huyện
Từ tháng 01/2020 đến tháng 6/2020, UBND huyện đã tổ chức trình diễn và phục dựng Lễ hội nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ: tổ chức trình diễn và phục dựng Lễ cúng bến nước tại buôn Ea Nur, xã Pơng Drang; tổ chức Chương trình Buôn vui chơi – Buôn ca hát tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và tiềm năng du lịch của địa phương; đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù phục vụ Nhân dân và khách du lịch. Tiếp tục phổ biến, triển khai thực hiện Luật Du lịch, các văn bản của các cấp, Bộ, ngành Trung ương và địa phương về du lịch để các cá nhân, doanh nghiệp và Nhân dân biết và thực hiện; Quán triệt việc triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 03/11/2017 của UBND huyện về quảng bá, xúc tiến du lịch giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 06/01/2016 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, đầu tư, thương mại và dịch vụ du lịch, giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 135/KH-UBND, ngày 27/11/2017 của UBND huyện về thực hiện chương trình số 25-CTr/HU, ngày 06/10/2017 của Huyện ủy Krông Búk về triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Krông Búk đã biết tận dụng tiềm năng thế mạnh của mình để phát triển du lịch, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện nên công tác tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch được triển khai đầy đủ và kịp thời; Nguồn lực quản lý Nhà nước về du lịch được bồi dưỡng thường xuyên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể tin tưởng và yên tâm đầu tư phát triển du lịch; Công tác tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên việc phát triển ngành du lịch trên địa bàn huyện còn gặp phải nhiều khó khăn, công tác kêu gọi đầu tư không mang lại hiệu quả, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như: xây dựng, dịch vụ ăn uống, thu mua, chế biến nông sản mà không đầu tư khai thác các tiềm năng về du lịch. Hoạt động xúc tiến du lịch gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận, phát huy hiệu quả các chương trình xúc tiến du lịch Quốc gia đối với địa phương, hiệu quả thu hút kêu gọi đầu tư rất hạn chế, chưa thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Triển lãm tranh nhân dịp 10/3
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch trong 6 tháng cuối năm 2020, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao trên địa bàn. Tiếp tục tập trung vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện (đặc biệt là văn hóa cồng chiêng: mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc,…). Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhằm đầu tư khai thác các nguồn tài nguyên Du lịch đang ở dạng tiềm năng trên địa bàn huyện, đồng thời thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của nhà nước và của địa phương để kêu gọi, thu hút đầu tư xã hội vào phát triển du lịch. Ưu tiên hỗ trợ cho các dự án phát triển du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về vị trí, vai trò của ngành Du lịch trong việc phát triển kinh tế xã hội địa phương cũng như việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tại chỗ, lấy giá trị văn hóa làm cơ sở, động lực cùng với các tiềm năng tự nhiên để phát triển du lịch có hiệu quả. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động du lịch nhằm thực hiện tốt chức năng lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.