05:51, 06/08/2023
Giới kiến trúc sư Huế vừa tổ chức tọa đàm lần thứ ba về các vấn đề kiến trúc ở đô thị này, với mong muốn đề đạt đến các cấp quản lý những ý kiến tích cực về chọn lựa bảo tồn, phát huy các giá trị công trình kiến trúc cố đô. Điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi về yêu cầu tìm kiếm các tiêu chuẩn, định vị mô típ kiến trúc phù hợp cho các đô thị đang phát triển như TP. Buôn Ma Thuột.
Giá trị bền ở kiến trúc đô thị
Kiến trúc sư Diêu Quang Hùng (Đắk Lắk) nhìn nhận, mỗi đô thị có một thể trạng “hồn phách” khác nhau, liên quan đến lịch sử phát triển và tập quán dân cư. Văn hóa kiến trúc là biểu hiện rõ nét của thể trạng ấy. Đô thị càng có bề dày lịch sử, có cộng đồng cư dân lâu bền thì sắc thái kiến trúc riêng càng rõ nét, tính hòa hợp cũ và mới ở các công trình kiến trúc càng cao. Tôn trọng cái cũ, phát triển cái mới là tinh thần mà các kiến trúc sư, và quản lý kiến trúc đô thị phải thể hiện được.
Trong dòng lịch sử, cần thấy, giữa TP. Buôn Ma Thuột và một số đô thị, trong đó có Huế, có sự liên tưởng nhất định. Đó là dấu ấn của kiến trúc Pháp thời thuộc địa. Buôn Ma Thuột, cùng với Đà Lạt là những đô thị ở vùng cao nguyên có dấu ấn rõ nét kiến trúc Pháp. Huế, với vị thế một kinh đô khi người Pháp có mặt quản lý đô hộ, cũng bị những tác động xây dựng công trình theo lối Pháp, như một phương thức thể hiện trí tuệ bảo hộ. Do đó, tại các công trình hiện hữu đến nay ở Huế, Buôn Ma Thuột, dấu vết kiến trúc Pháp là có, là chứng nhận lịch sử.
Mẫu nhà có mái dài và dốc nghiêng được đánh giá phù hợp kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng |
Vấn đề được các kiến trúc sư Huế đưa ra là làm sao bảo toàn được các giá trị kiến trúc “nguyên bản” của Huế, với tư cách một đô thị kinh kỳ triều Nguyễn, thể hiện sức mạnh trí tuệ một dân tộc tự chủ tự cường. Đó là các mô típ nhà cổ nhà rường, các nhà vườn vương tôn quý tộc, với lối kiến trúc Việt Nam thuần túy, nhà ba gian hai chái, “trước có hồ sen sau có hoa viên”…
Những tòa nhà đó không hề cao lớn nhiều tầng, dung hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên cây cỏ với kết cấu công trình phần lớn là dùng tre gỗ, các vật liệu tự nhiên. Bảo vệ những mẫu kiến trúc này là tư duy nắm vững những giá trị bền cho kiến trúc đô thị ở Huế. Còn với các mẫu kiến trúc Pháp thời thuộc địa tại Huế, cần có cách đánh giá khoa học để bảo tồn trên tinh thần cập nhật, hiện đại hơn, phù hợp với nếp sống sinh hoạt của người dân địa phương hơn.
Từ góc cạnh này, ông Diêu Quang Hùng cho rằng, kiến trúc nhà cửa ở Buôn Ma Thuột, cũng cần có cách nhìn bảo toàn những giá trị truyền thống, cạnh việc cập nhật những mẫu kiến trúc mới, hiện đại văn minh hơn.
Những ngôi nhà có mái ở cao nguyên
Theo ông Hùng và những cộng sự kiến trúc sư của ông đang làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột, mẫu kiến trúc công trình nên ưu tiên xây dựng tại đô thị cao nguyên này là các ngôi nhà có mái, càng giữ đúng mẫu mái nhà dài Êđê truyền thống càng tốt. Một số công trình xây dựng thời Pháp thuộc đã tuân thủ tinh thần này, kiến trúc với phần mái rất cao, rộng, kết cấu chặt chẽ ôm kín các công trình, chống được thấm dột và không bung lở.
Các ngôi nhà thường chỉ có hai tầng, nằm giữa các khoảnh sân vườn rộng, ưu tiên có phần hậu viên cây trái sum suê. Việc phân chia các phòng ốc sinh hoạt trong các ngôi nhà tùy thuộc chủ đích của chủ nhà, song nên có những khoảng không gian tiếp khách trang trọng, rộng rãi như thói quen tập tục của đồng bào Tây Nguyên bao đời.
Nhiều mặt bằng kinh doanh mới ở trung tâm Buôn Ma Thuột có xu hướng chọn kiến trúc nhà truyền thống. |
“Chúng ta không nên đi theo những mẫu nhà xây dựng trong đô thị có tỷ lệ bê tông hóa cao, không nên xây nhà cao tầng giữa lòng Buôn Ma Thuột. Chọn lựa nhà thấp tầng vừa phù hợp bối cảnh xã hội hôm nay, gia đình điển hình không đông con nhiều cháu nữa, vừa tương ứng quan niệm Tây Nguyên đất rộng người thưa”, kiến trúc sư Diêu Quang Hùng đề xuất.
Cũng theo ông Hùng, điều đáng học tập ở kiến trúc phương Tây là cảnh quan được tôn trọng ở các công trình nhà ở. Đa số nhà riêng đều là nhà vườn khuôn viên thoáng đãng. Nhà mặt phố vẫn bố trí khoảng sân bé phía trước và mảnh vườn nhỏ sau nhà để trồng hoa. Nếu kết hợp hài hòa những mẫu quy hoạch bố trí nhà này, với khuôn mẫu nhà có mái nghiêng truyền thống, chắc chắn TP. Buôn Ma Thuột và các đô thị vùng Tây Nguyên sẽ rất thẩm mỹ, sang trọng và giá trị dài lâu.
Quan điểm của kiến trúc sư Diêu Quang Hùng có thể chưa đại diện cho tất cả những người làm kiến trúc ở Tây Nguyên. Song đối sánh với hoạt động đề xuất mà các kiến trúc sư tại Huế đang thể hiện, những băn khoăn của các kiến trúc sư với đô thị Buôn Ma Thuột thực sự cần thiết. Đi tìm đúng một mẫu kiến trúc công trình chuẩn cho đô thị cao nguyên này sẽ luôn là câu hỏi đáng đặt ra.
Bởi lẽ theo ông Hùng, hình ảnh các khu đô thị mới, rập y khuôn mẫu đâu đó của các đô thị lớn phương Tây hay ở hai đầu đất nước, thật sự không hề phù hợp với cảnh quan, vùng đất và con người nơi đây. Nhà quản lý cần lắng nghe nhiều hơn, để kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột không ngừng hoàn thiện!
Nguyên Đức