16:47, 27/12/2023
Trước nhu cầu của đời sống hiện đại ngày nay, tượng nhà mồ ngoài cốt lõi là tượng người ra thì tượng về chim chóc, thú vật, hình ảnh sinh hoạt thường nhật đã được đưa đến những không gian mới: là nhà hàng, quán cà phê sân vườn, biệt thự và nhất là tại các khu du lịch văn hóa, sinh thái nhằm giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Dĩ nhiên, một khi có “cung” thì ắt hẳn có “cầu” – và đến nay trên địa bàn Tây Nguyên đã hình thành thị trường mua bán tượng gỗ dân gian của các tộc người bản xứ khá sôi động, chẳng thua kém gì hoạt động mỹ thuật đúng nghĩa.
Nghệ nhân Y Thái Êban (buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những người chuyên sáng tạo và cung cấp cho thị trường trên nhiều sản phẩm nghệ thuật được cho là “thời thượng” này.
Anh chia sẻ: Xưa nay người tạc tượng nhà mồ không lấy đó làm địa hạt nghệ thuật để mưu sinh, bởi đó là lễ vật dâng cúng cho người đã khuất. Cho dù được sáng tạo nên dưới bất kỳ trạng thái tình cảm nào thì người tạc tượng luôn tâm niệm rằng, họ tái hiện lại tất cả những gì đã nhìn thấy và có thật trong đời sống để gửi đến cho người thân ở “thế giới bên kia” với ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh sâu sắc. Và cũng vì thế, tượng này chỉ được đặt trong các nhà mồ của người Tây Nguyên. Giờ đây, tựa như văn hóa cồng chiêng vậy – tượng nhà mồ đã bước ra khỏi “môi trường thiêng” để hòa nhập với đời sống đương đại dưới tên gọi khác là tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, hay điêu khắc dân gian Tây Nguyên.
Nghệ nhân Y Thái Êban với cụm tượng Gia đình hạnh phúc (được thu nhỏ) để giới thiệu với du khách. |
Theo nghệ nhân Y Thái Êban: Tách ra khỏi “môi trường thiêng” ấy thì đương nhiên nó đã mang ý nghĩa, nội hàm khác – là để chơi, trang trí như thứ nghệ thuật được nhiều người yêu thích.
Với nhận thức đó, không ít nghệ nhân tạc tượng nhà mồ truyền thống (trong đó có anh) đã phát huy vốn nghệ thuật dân gian độc đáo kia trở thành địa hạt sáng tạo thuần túy để mưu sinh như bao bộ môn mỹ thuật khác.
Hiện tại, trên ngôi nhà dài của nghệ nhân này có rất nhiều tác phẩm (tượng đơn, cụm tượng) được giới thiệu, trưng bày để bán cho du khách có nhu cầu.
“Ngày xưa, nghệ nhân tạc tượng nhà mồ là một thực hành văn hóa gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh chứ không lấy đó làm địa hạt sáng tạo nghệ thuật để mưu sinh. Ngày nay thì người sở hữu kỹ năng/kỹ thuật về vốn điêu khắc dân gian ấy được xem như xu thế nghệ thuật mới mẻ, đáp ứng nhu cầu mỹ thuật của đời sống đương đại, góp phần mở ra cánh cửa để giao lưu, hội nhập với bạn bè khắp nơi” – nghệ nhân Y Thái Êban.
|
Ngoài ra, anh còn được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh mời sáng tác, sắp đặt những mô típ tượng gỗ dân gian Tây Nguyên dưới góc nhìn, ý tưởng hiện đại hơn như: gia đình đoàn viên và hạnh phúc; sinh hoạt lễ hội truyền thống; diễn tấu cồng chiêng; múa khiên, giã gạo hay thân thiện với thế giới động vật…
Những chủ đề này được nhiều khu/điểm du lịch văn hóa, sinh thái trên địa bàn Tây Nguyên đặt hàng cho anh và nhiều nghệ nhân khác thực hiện trong nhiều năm qua.
Nhiều khu du lịch như: Măng Đen; Làng văn hóa Kon Klơ (Kon Tum); Lang Bian (Lâm Đồng), hay Kô Tam, Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) đang thu hút du khách bằng những “bộ sưu tập” trên.
Nói như bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch văn hóa, sinh thái và cộng đồng Kô Tam: Bước ra từ không gian tín ngưỡng, tâm linh nhà mồ – việc phô diễn, quảng bá tượng gỗ dân gian Tây Nguyên trong không gian mới là bước tiến đáng ghi nhận trong đời sống hiện đại ngày nay.
Tượng gỗ dân gian ở đây đang hiện diện khắp nơi góp phần ghi nhận, tôn vinh một nghề truyền thống của các tộc người bản địa, khẳng định loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của người Tây Nguyên; qua đó làm sống lại và đưa loại hình nghệ thuật này lan tỏa, hòa nhập cùng dòng chảy lịch sử văn hóa – nghệ thuật Việt Nam.
Có thể nói, từ tượng nhà mồ đến cảm hứng sáng tạo mang hơi thở hiện đại và được đặt trong những không gian mới lạ, đa chiều đã giúp công chúng có điều kiện, cơ hội thưởng lãm, cảm nhận gần gũi hơn vốn văn hóa, nghệ thuật ấy ở mọi nơi, mọi lúc.
Đình Đối