08:19, 05/01/2024
Thời gian qua, nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn bắt tay vào chế tạo các loại máy móc, từ đó khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này.
Nâng cao giá trị cho hạt sachi
Cơ sở chuyên chế tạo máy tách hạt sachi Khánh Phượng (thôn 3, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) của anh Nguyễn Trung Khánh là một trong bốn đơn vị sản xuất thành công máy sơ chế sachi ở Việt Nam và là đơn vị duy nhất tại Đắk Lắk cung cấp loại máy này.
Tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo máy tại Trường Trung cấp Công nhân kỹ thuật Đồng Nai, anh Khánh từng làm việc trong các xưởng chế tạo máy tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Năm 2012, anh quyết định về Ea Kar lập nghiệp. Nhận thấy người dân quê nhà trồng nhiều cây sachi nhưng chưa có cơ sở sản xuất máy sơ chế, bóc tách vỏ ngoài nên giá bán không cao, anh bắt tay chế tạo máy sơ chế sachi. Sau khi chế tạo thành công, năm 2018, anh Khánh mở cơ sở chuyên chế tạo máy tách hạt sachi và thuê thêm ba nhân công có tay nghề đồng hành cùng mình.
Anh Nguyễn Trung Khánh (thôn 3, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) vận hành máy tách hạt sachi. |
Các giải pháp mà cơ sở của anh Khánh nghiên cứu và thực hiện là sử dụng nguyên lý tách vỏ dùng hai đĩa hình côn có khả năng điều chỉnh khe hở giữa hai đĩa tùy theo kích thước loại quả. Nguyên lý này sẽ tách được những quả có kích thước khác nhau. Mặt khác, do có cấu tạo của hệ thống lọc gió phân tầng và van tiết lưu gió nên có thể tách triệt để hạt đen ra hạt trắng, đồng thời có thể đánh bóng được các loại hạt mà không gây thất thoát hạt thành phẩm. Ngoài ra, trong máy có hệ thống sàng rung với các sàng có kích thước lỗ sàng khác nhau nên phân loại được nhiều loại hạt khác nhau… Chính vì vậy, máy do cơ sở của anh Khánh sản xuất đạt năng suất cao hơn những loại máy đang có tại Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài.
Đến nay, Cơ sở chuyên chế tạo máy tách hạt sachi Khánh Phượng đã cung ứng 21 máy cho các đối tác trong nước và 16 máy ở các nước như: Đài Loan, Indonesia, Lào… Giá máy chỉ bằng 1/10 giá bán của các loại máy tách quả sachi do Peru chế tạo.
Giải pháp “Chế tạo máy sơ chế sachi” của anh Nguyễn Trung Khánh đã xuất sắc giành giải Nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX (năm 2022 – 2023).
Hướng đến cơ giới hóa trong sản xuất
Tốt nghiệp ngành cơ khí ô tô (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh), sau ba năm làm kỹ thuật viên cho một hãng ô tô ở TP. Hồ Chí Minh, anh Trần Văn Hảo (ở thôn 4, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) quyết định về quê khởi nghiệp với nghề chế tạo máy.
Trong suy nghĩ của anh, người dân địa phương hoàn toàn có thể sử dụng máy móc để sản xuất nông nghiệp thay vì chỉ dùng sức người. Chính vì vậy, năm 2016 anh đã bắt tay vào chế tạo các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Anh Trần Văn Hảo (thôn 4, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) bên chiếc máy gieo trồng do mình sáng chế. |
Anh Hảo chia sẻ, chiếc máy đầu tiên anh chế tạo thành công là máy gieo hạt đa năng. Chiếc máy này có thể giúp nông dân thực hiện các khâu từ rạch hàng, bón phân, gieo hạt, trồng củ đến lấp đất. Đặc biệt, máy không chỉ dùng cho các loại hạt mà còn có thể áp dụng với các loại củ như gừng, nghệ, khoai tây…; giúp giảm sức lao động và tiết kiệm chi phí nhân công. Thay vì 1 ha cây trồng cần đến 3 nhân công để gieo trồng trong một ngày thì với chiếc máy gieo hạt đa năng, chỉ cần 1 nhân công vận hành máy. Từ thành công này đã tạo động lực để anh Hảo mở Xưởng cơ khí Tân Hoàn Hảo vào năm 2017.
Ngoài máy gieo hạt, anh Hảo còn sáng chế ra hàng chục sản phẩm khác để phục vụ nông dân, hướng đến mục tiêu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: máy sấy, máy bón phân, hệ thống máy sản xuất tinh bột nghệ; các loại máy chế biến thực phẩm, nông sản; máy thu hoạch… Theo ước tính của anh Hảo, từ khi thành lập xưởng đến nay, anh đã cung cấp khoảng 1.000 máy móc nông nghiệp lớn, nhỏ các loại theo đơn hàng của nông dân trong và ngoài nước. Năm 2023, doanh thu của xưởng đạt 2 tỷ đồng. Đặc biệt, các sáng chế phục vụ nông nghiệp của anh Hảo đã đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về sáng tạo kỹ thuật, khởi nghiệp của tỉnh và toàn quốc.
Khả Lê