08:24, 05/09/2023
Sầu riêng Cư M’gar được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể là cơ hội lớn đối với người trồng loại nông sản này ở địa phương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu, cần phải có chiến lược phát triển thương hiệu bài bản mới có thể chinh phục người tiêu dùng quốc tế dài lâu.
Mở rộng lối xuất khẩu
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng đứng thứ hai cả nước, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, huyện Cư M’gar “đóng góp” trên 4.500 ha trồng sầu riêng. Dự báo trong thời gian tới diện tích, sản lượng sầu riêng của huyện sẽ dẫn đầu toàn tỉnh.
Ngày 10/7 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ) đã cấp Chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cư M’gar”. Cả người trồng và doanh nghiệp (DN) thu mua xuất khẩu sầu riêng đều vui mừng. Thị trường xuất khẩu đã mở cửa, là cơ hội để DN, nhà vườn tiệm cận nhiều hơn với khách hàng trong và ngoài nước, thu về lợi nhuận cao từ loại trái cây đặc sản này.
Sầu riêng mang lại thu nhập cao cho người nông dân huyện Cư M’gar. |
Ông Đặng Văn Huy (xã Cư Suê) có 7 ha sầu riêng theo mô hình hữu cơ. Ông cho biết, khi có nhãn hiệu thì việc mua bán sẽ thuận lợi hơn, giá cả theo đó cũng tốt hơn. Chính điều này thúc đẩy nhà vườn tích cực hơn trong đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản.
Sau khi ký Nghị định thư với Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch, giá trị sản phẩm không ngừng tăng lên, trở thành mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu dự báo vượt trên một tỷ USD. Riêng với huyện Cư M’gar, sầu riêng đã đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu như: nhãn hiệu, nhãn mác, xuất xứ… Đây là cơ sở pháp lý, tạo tiền đề để địa phương tiếp tục phát triển nhãn hiệu, mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng.
Ở góc độ doanh nghiệp thu mua, đóng gói xuất khẩu, bà Ngô Thị Tường Vy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuất nhập khẩu Chánh Thu nhìn nhận, sầu riêng Cư M’gar đang được đối tác Trung Quốc rất ưa chuộng về mẫu mã, chất lượng. Việc huyện Cư M’gar xây dựng nhãn hiệu sầu riêng địa phương để thông qua đó khẳng định chất lượng là điều rất cần thiết. Để bà con nông dân gắn bó lâu dài với loại cây ăn trái này, đơn vị cũng đã xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu và tiến tới đa dạng sản phẩm chế biến sâu kỳ vọng thu về nhiều giá trị kinh tế hơn từ quả sầu riêng, thay vì chỉ tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng tươi hay sản phẩm thô đông lạnh.
Cần chiến lược phát triển thương hiệu bài bản
Xây dựng nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar mới chỉ là bước khởi đầu. Để loại nông sản này khẳng định được vị trí của mình, chinh phục thị trường, mang lại thu nhập cao cho người trồng cần phải có chiến lược phát triển thương hiệu bài bản. Huyện Cư M’gar đã tính toán đến việc tổ chức lại sản xuất gắn với chuẩn hóa quy trình xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để bảo đảm chất lượng phục vụ thị trường xuất khẩu chính ngạch; quan trọng hơn là xây dựng hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm với người tiêu dùng.
Thu mua, đóng gói sầu riêng xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Thương mại Thái Hà (huyện Cư M’gar). |
“Để nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ người trồng từng bước thích ứng với cách thức sản xuất sầu riêng chuẩn mực từ vườn cây; tạo liên kết bền chặt giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng tầm giá trị sầu riêng Cư M’gar, hướng đến xuất khẩu ra nhiều thị trường khác nhau”.
Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Vũ Hồng Nhật
|
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, cùng với các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, trong định hướng phát triển, huyện đặc biệt quan tâm đến việc hình thành những vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương. Huyện đang tiếp tục xây dựng hàng rào pháp lý cơ bản để bảo vệ, phát triển thương hiệu, sử dụng nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar đúng và trúng sản phẩm nhằm bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu bền vững. Đồng thời, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân căn cứ vào những tiêu chí chất lượng của thị trường để xây dựng, phát triển vườn cây theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững.
Đến nay, huyện Cư M’gar đã quy hoạch vùng chuyên canh sầu riêng tập trung với diện tích trên 1.000 ha tại xã Ea Tar và một số xã lân cận. Toàn huyện có 13 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác và hoàn thiện hồ sơ 37 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích trên 831 ha.
Sầu riêng đang được kỳ vọng thu về giá trị lớn cho nông dân huyện Cư M’gar. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự mở ra khi nhà vườn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Điều này đòi hỏi phải siết chặt chất lượng ngay từ vùng trồng. Do đó, ý thức của mỗi nhà nông trong việc làm ra sản phẩm đạt chất lượng, minh bạch về nguồn gốc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, tiêu chí thị trường xuất khẩu là yếu tố cốt lõi để cạnh tranh và nâng tầm nông sản, hướng đến phát triển bền vững loại cây trồng này, chinh phục người dùng quốc tế.
Đỗ Lan