08:53, 26/09/2023
“Huế những năm tháng sống mãi” là tựa đề của tập sách dày gần 800 trang, tập hợp 50 bài viết của các chứng nhân lịch sử, những nhà hoạt động chính trị, quân sự, nhất là của những anh chị em xuất thân, trưởng thành trong phong trào đấu tranh chống Mỹ của nhân dân, trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên Huế trong giai đoạn 1954 – 1975.
Với những tên tuổi lừng lẫy một thời như: Ngô Kha, Lê Quang Vịnh, Lê Công Cơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Hoài, Nguyễn Văn Quang, Ngô Yên Thi, Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê, Nguyễn Hữu Ngô, Phan Hữu Lượng, Hoàng Thị Thọ, Trần Thị Kiều Trinh… Sách do Trường Đại học Duy Tân tổ chức bản thảo và được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào đầu tháng 8/2023.
50 bài viết được lựa chọn, tập hợp trong “Huế những năm tháng sống mãi” đề cập đến nhiều mặt, nhiều khía cạnh, nhiều giới đồng bào, nhiều giai tầng xã hội trong cuộc đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng; phản ánh khá toàn diện và sâu sắc phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân, thanh niên, sinh viên, học sinh Huế nói riêng, miền Nam nói chung một thời “xuống đường” với “những đêm không ngủ”, “hát cho đồng bào tôi nghe”… nhằm tranh đấu cho tự do và độc lập dân tộc.
Nội dung cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ nguyên nhân sâu xa khiến thế hệ thanh niên trưởng thành vào thập niên 60 của thế kỷ 20 xuống đường tranh đấu. Đó là những người giữ vai trò “ngòi nổ” trong các cuộc đấu tranh giữa lòng địch – những người bạn chiến đấu cũ mà cho tới tận hôm nay vẫn còn dành hết tâm tư, tình cảm và trí lực để ghi lại những năm tháng hào hùng “vào sinh ra tử”, cùng nhau đoàn kết vượt qua gian khổ, hiểm nguy để chiến đấu với quân thù, đặc biệt là những năm tháng nóng bỏng, ác liệt đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, tự do – dân chủ – hòa bình ở miền Nam Việt Nam dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Có thể nói, đây là thế hệ thanh niên sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đặc biệt với nhiều biến cố của lịch sử dân tộc, trong đó phải kể đến những tác động tích cực về nhận thức như Cách mạng Tháng Tám thành công, thắng lợi rực rỡ của “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” với kết quả Hiệp định Genève chia đôi đất nước (7/1954), buộc họ – những người con phía Nam giới tuyến phải sống trong cảnh áp bức, chia ly.
Miền Nam Việt Nam trước gót giày xâm lược của Mỹ, những thanh niên – trí thức – những người tâm huyết với vận nước không còn lựa chọn nào khác là phải tìm đường cứu và họ xác định đó là hoài bão, lý tưởng, là mục đích cao thượng của bản thân mình trước bao sự hiểm nguy… Tất cả được thể hiện sinh động, chân thật và đầy hào khí qua từng trang viết được tuyển chọn trong tập sách, là những hồi ức đẹp về tuổi trẻ dấn thân của các anh chị như: “Nhớ lại và suy nghĩ” của Lê Quang Vịnh, “Sự lãnh đạo của Cách mạng đối với phong trào sinh viên – học sinh – trí thức – văn nghệ sĩ tại các đô thị miền Nam” của Lê Công Cơ, “Về phong trào trí thức Huế 1954 – 1975” của Trần Hoài, “Phong trào đấu tranh yêu nước của tiểu thương chợ Đông Ba 1945 – 1975” của Hoàng Lanh, “Trần Quang Long – Tiếng hát người đi tới và Ngô Kha – Ngụ ngôn một thế hệ” của Hoàng Phủ Ngọc Phan, “Cuộc vận động tái lập Tổng hội Sinh viên Huế (1973 – 1975)” của Đoàn Nhuận, “Báo chí và thơ văn yêu nước của sinh viên, học sinh Huế những năm 1970 – 1972” của Võ Quê, “Đoàn sinh viên quyết tử Huế” của Nguyễn Đắc Xuân, “Lực lượng giáo chức Huế trong phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước (1954 – 1968)” của Trần Thân Mỹ, “Ký ức một thời sôi nổi hào hùng tham gia phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị Huế” của Ngô Yên Thi, “Một thời không quên” của Nguyễn Hữu Ngô, “Tấc lòng với Huế” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Hoạt động của nữ sinh viên – học sinh Huế đấu tranh tại nội thành những năm 1970” của Hoàng Thị Thọ…
Những bài viết được tập hợp và in trong cuốn sách “Huế những năm tháng sống mãi” là những tấc lòng thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước của thế hệ thanh niên, trí thức một thời quên mình tranh đấu vì lý tưởng cao đẹp độc lập – tự do. Đây được xem là nguồn tư liệu quý về phong trào chống Mỹ, cứu nước ở các đô thị miền Nam; là những tấm gương sáng về lý tưởng sống, sự xả thân vì quê hương, đất nước để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tri ân, học tập.
Minh Đăng