12:18, 08/09/2023
Ngày 8/9, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Đắk Lắk – UBND tỉnh Gia Lai đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học và Hội nghị khoanh vùng bảo vệ Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo các địa phương của hai tỉnh cùng các nhân chứng lịch sử.
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 (ngày 12/8/1991) về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay tất cả các điểm di tích của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đều thuộc địa phận hành chính các xã Uar và xã Chư Drăng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), nằm sâu trong dãy núi Dliê Ya, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, môi trường trong lành, có hệ động thực vật phong phú, đa dạng.
Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya thuộc đất rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam sông Ba, tỉnh Gia Lai quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt nên chưa bị tác động, ảnh hưởng xấu đến di tích. Nơi đây có điều kiện thuận lợi để xây dựng thành địa chỉ đỏ về giáo dục lịch sử, kết hợp với du lịch sinh thái.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh nhấn mạnh, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với thắng lợi của cả vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung. Trong thời gian tới, công tác bảo tồn và phát huy không chỉ là nhiệm vụ lập hồ sơ trình xếp hạng mà công tác bảo tồn và phát huy còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng như tỉnh Đắk Lắk để Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Lắk Lê Chí Quyết chia sẻ ký ức về Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe nhân chứng lịch sử chia sẻ ký ức về Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya; các tham luận về vai trò của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc (1945-1975); Nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Ju – Dliê Ya; Công tác bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững gắn với việc phát huy giá trị Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ – Dliê Ya; Dự thảo lý lịch khoa học Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ – Dliê Ya.
Ông Tô Văn Chánh, Bí thư Huyện ủy Krông Pa đóng góp ý kiến tại Hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, qua các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị đã thống nhất tên gọi chính thức của di tích là: Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ của Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya là 19,8 ha. Trong đó, khu vực bảo vệ I là 7 ha; Khu vực bảo vệ II là 12,8 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch kết luận Hội nghị. |
Về giá trị lịch sử của Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya các đơn vị sẽ tiếp thu bổ sung các thông tin cơ bản, quan trọng mà các nhân chứng lịch sử đã góp ý để hoàn thiện hồ sơ khoa học Di tích trình cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng. Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk cùng các cấp, các ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh nghiên cứu xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hướng đến xây dựng Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Các đơn vị ký Biên bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ – Dliê Ya. |
Dịp này, các đơn vị thống nhất ký Biên bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ – Dliê Ya.
Vân Anh