Sáng 06/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Đề án đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024–2026. Đồng chí H’ Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chủ trì Hội nghị.
Đại biểu dự Hội nghị.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo công tác đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã trình bày các nội dung cơ bản của Đề án đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024 – 2026. Theo Đề án, giai đoạn 2024 – 2026, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của tỉnh, đặc biệt là lực lượng thanh niên, bộ đội xuất ngũ, sinh viên, học viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… giúp người lao động có việc làm ổn định, tiến tới việc làm bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống …
Theo số liệu nêu trong Đề án, giai đoạn 2018 – 2023, toàn tỉnh có 7.144 người lao động thông qua các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chiếm 3,85% so với tổng số người lao động được giải quyết việc làm. Tính đến nay, hầu như tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân khoảng 25-30 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn ít so với nguồn nhân lực của tỉnh; chi phí đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn cao; trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế; trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động chưa tương đồng so với lao động của các nước khác và lao động của các địa phương khác trong nước khi làm cùng một công việc.
Bên cạnh đó, tình trạng người lao động vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ trốn hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước còn diễn ra, một số doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa kịp thời thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đồng chí H’ Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí H’ Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đề nghị: Trên cơ sở chỉ tiêu chung của giai đoạn 2024 – 2026 và chỉ tiêu hằng năm, các địa phương, đơn vị Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đưa mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đơn vị; phân công trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị làm công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đảm bảo hiệu quả; trong đó, chú trọng việc đa dạng các nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với từng nhóm đối tượng; vận dụng linh hoạt, kịp thời tham mưu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách hỗ trợ cho người lao động thuộc các đối tượng khác của địa phương đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và khả năng nguồn ngân sách của tỉnh nhằm khuyến khích người lao động tích cực tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.