Sáng 9/4, Hội đồng OCOP cấp tỉnh đã khai mạc Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh và ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng OCOP cấp tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá
Trong hai ngày 9 và 10/4, Hội đồng sẽ xem xét, đánh giá phân hạng 22 sản phẩm của 11 chủ thể ở 6 địa phương, gồm: các huyện Cư M’gar, Ea Kar, Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột. Đây là những sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 4 sao do cấp huyện phê duyệt kết quả chấm điểm và đề nghị đánh giá, phân hạng cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, mặc dù sản phẩm OCOP năm 2023 tăng mạnh, tuy nhiên so với các tỉnh trong cả nước và so với tiềm năng của tỉnh thì sản phẩm OCOP của Đắk Lắk vẫn còn ít; đa phần các huyện, thị xã, thành phố vẫn chưa phát huy hết lợi thế, tiềm lực của địa phương.
Do đó, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia chương trình theo đúng chu trình OCOP nhằm đảm bảo các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận.
Các đơn vị giới thiệu sản phẩm tại hội nghị đánh giá
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, xác định Chương trình OCOP là một nhiệm vụ cần có sự vào cuộc của tất cả các Sở, ngành và địa phương do vậy, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia Chương trình theo đúng chu trình OCOP, không chạy theo thành tích nhằm đảm bảo các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận.
Đến nay, Đắk Lắk hiện có 237 sản phẩm OCOP (tăng 152 sản phẩm so với năm 2022), gồm: 223 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm 4 sao. Năm 2024, Hội đồng OCOP cấp tỉnh sẽ đánh giá, phân hạng cho 44 bộ hồ sơ sản phẩm tiềm năng 4 sao do địa phương đề nghị.
Hội đồng OCOP cấp tỉnh tìm hiểu các sản phẩm tham dự đánh giá phân hạng.
Năm 2023, là năm đầu tiên triển khai thực hiện việc phân cấp trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, theo đó trình tự đánh giá được chia làm 3 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.
Chuyên gia Tư vấn OCOP phân tích từng bộ hồ sơ sản phẩm tại hội nghị
Cấp tỉnh tiến hành đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm tiềm năng 4 sao do cấp huyện phê duyệt kết quả chấm điểm và đề nghị đánh giá. Phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao đối với sản phẩm có kết quả trung bình điểm từ 70-89 điểm, đủ điều kiện phân hạng OCOP 4 sao theo quy định; phê duyệt kết quả chấm điểm và trình Hội đồng OCOP cấp Trung ương xem xét đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao đối với sản phẩm có trung bình điểm đạt từ 90 đến 100 điểm, đủ điều kiện đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao theo quy định; đồng thời phê duyệt kết quả chấm điểm và chuyển trả hồ sơ các sản phẩm có kết quả trung bình điểm dưới 70 điểm hoặc từ 70 điểm trở lên, chưa đủ điều kiện phân hạng 4 sao hoặc tiềm năng 4 sao về UBND cấp huyện để xem xét, công nhận hoặc hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp tại Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua khảo sát đánh giá của Tổ tư vấn Hội đồng OCOP cấp tỉnh, các chủ thể tham gia chương trình vẫn đang gặp những khó khăn như: quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, việc lập hồ sơ OCOP còn gặp nhiều khó khăn do phải hoàn thiện nhiều tiêu chí theo quy định của Chương trình OCOP. Sự hiểu biết của một số cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung vẫn phụ thuộc vào tư vấn. Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng của các cấp chính quyền, nỗ lực của các chủ thể và sự đồng hành của đơn vị tư vấn thì ngày càng có thêm nhiều các chủ thể tự nguyện, đăng ký tham gia.