Sáng 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tham gia thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).
Về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy Buôn Hồ cho biết, trong thời gian qua, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với nhiều giải pháp tổng thể được tăng cường, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua số liệu năm 2024 cho thấy, tình hình tai nạn giao thông trong cả nước tiếp tục có chiều hướng tăng, với 24.482 vụ (tăng 9,28%), số bị thương 18.540 người (tăng 22,9%).
Việc gia tăng tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là công tác quản lý, điều khiển phương tiện giao thông xe đạp điện. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2024, số xe đạp điện liên quan đến tai nạn giao thông là 478 phương tiện, chiếm 1,35%. Tuy số vụ tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra không nhiều nhưng có nhiều vụ rất nghiêm trọng để lại hậu quả thương tâm cho gia đình, xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Với đặc tính kỹ thuật, loại phương tiện này khi di chuyển hầu như không có tiếng động, xe không được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn; một số phương tiện còn được độ chế khác với thiết kế của nhà sản xuất trong khi việc điều khiển loại phương tiện này chủ yếu là học sinh dưới 16 tuổi, các em hầu như chưa được trang bị các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, trình độ nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, tâm lý tuổi mới lớn, thích thể hiện nên thường xuyên vi phạm quy định của pháp luật…
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy Buôn Hồ phát biểu thảo luận tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).
Trước tình hình rất đáng báo động trên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành khi Luật Trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực, hướng dẫn chi tiết về điều kiện hoạt động của xe thô sơ, trong đó có xe đạp điện; chỉ đạo UBND cấp tỉnh thống nhất, đồng bộ trong việc ban hành các quy định về phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương theo quy định trên cơ sở khắc phục tối đa những vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý, xử lý hành vi vi phạm; tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe đạp điện, đặc biệt là siết chặt xử lý đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, mua bán những loại xe không đảm bảo chất lượng trên thị trường; chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới” trong toàn ngành để tiếp tục có các biện pháp triển khai, thực hiện đủ mạnh để các em học sinh có kỹ năng, trách nhiệm khi sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông một cách an toàn.
Về lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển các địa phương trong vùng và cả nước. Đây là quan điểm được Bộ Chính trị khẳng định tại Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).
Trong những năm qua, Tây Nguyên nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành về mọi mặt, nhiều dự án lớn, trọng điểm của Quốc gia như: Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành và nhiều hạng mục, công trình khác được đầu tư, triển khai, từng bước góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược vùng Tây nguyên. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây nguyên còn hết sức khó khăn, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu, vì vậy rất cần sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ.
Để tạo động lực cho Tây nguyên phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp với các vùng miền trong cả nước, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk và sự thống nhất đề xuất của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông.
Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí hoàn thiện Dự án đang dang dở, đó là Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1667+570 – Km1738+148 (Quốc lộ 14) tỉnh Đắk Lắk. Đây là dự án do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư với quy mô 2 làn xe, sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.
Vào ngày 15/2/2017, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó bổ sung hạng mục xây dựng 1 đơn nguyên Cầu 110, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ từ năm 2016 – 2018 không được kéo dài cho nên dự án đã phải tạm dừng. Theo báo cáo của Chủ đầu tư, đến nay khối lượng đã hoàn thành 88%, còn 12% chưa thi công.
Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn và được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, ghi nhận. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn còn dang dở, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân gần khu vực cầu, có nguy cơ mất an toàn giao thông và gây lãng phí ngân sách nhà nước…
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/hoan-thien-he-thong-giao-thong-ket-noi-khu-vuc-tay-nguyen-va-duyen-hai-nam-trung-bo-ong-nam-bo-va-ong-bang-song-cuu-long