18:11, 25/12/2023
Tôi dành cả một tháng cuối năm để về với núi, với rừng, với bà con J’rai ở Ayun Pa, nơi bắt đầu hai dòng sông Ayun và Krông Pa (sông Ba) hợp lại.
Đây cũng là nơi khắc dấu sâu đậm nhất thời tuổi trẻ của tôi trong những đêm rừng đại ngàn giữa chiến tranh. Từ phía đầu nguồn núi và rừng, chúng tôi đã sống và chiến đấu cùng bà con bám trụ, khi ấy Mỹ chiếm đóng dày đặc khắp vùng. Thời gian đi như gió cuốn, kể từ sau năm 1975 đến nay đã trên dưới nửa thế kỷ rồi!
Ayun Pa là nơi chứng kiến cuộc tháo chạy từ Buôn Ma Thuột tới nút tận cùng thất bại của quân đội Sài Gòn trên đất Tây Nguyên tháng 3/1975. Năm ấy, tôi còn là chú lính đầu xanh tuổi trẻ, cùng đồng đội truy quét địch khắp vùng. Và bây giờ là một lão già 80 tuổi nhưng vẫn còn nhớ mồn một những tháng ngày xưa ấy. Ông già Nay Đer kể về thời Ayun Pa xa xưa còn là vùng rừng hoang dã, sình lầy với bao nhiêu truyền thuyết về sông suối, núi rừng ở đây. Trong mỗi câu chuyện kể, tôi nghe rõ tiếng dây ná bật, tiếng những mũi tên xé gió cắm chụm vào đầu một hình nộm nơi cuối bãi sông trong những ngày hội lễ của buôn làng. Tôi nhận ra trên đỉnh núi cao Chư Mố, tiếng trống hội quân và những đoàn tráng sĩ lực lưỡng với tấm lưng trần cuồn cuộn cơ bắp, hò reo của dân làng. Rồi tiếng cồng chiêng âm vang, tiếng tù và sừng trâu hú lên thời hoang sử. Ban đêm đuốc sáng rực trời đám người vây quanh đống lửa vít cong cần rượu, cùng với những bài dân ca trầm đục đượm buồn, những lời ca chứa chất niềm tâm sự của những người dân thời mất rẫy, mất rừng, mất tự do…
Ayun Pa, nơi được gọi là thủ đô của hoa trái cao nguyên, cái nôi của văn hóa J’rai với những bài hát kể sử thi dài theo con nước, với những dàn cồng chiêng đêm lễ hội của dân các làng rừng giờ đây đã khởi sắc tươi màu sau nhiều chục năm thanh bình. Mẹ lúa về kho không chỉ còn là mẹ lúa nương, lúa rẫy mà có cả mẹ lúa nước cùng về. Điện tuôn sáng khắp nơi nơi. Tiếng máy xay xát, tiếng máy cày, máy dệt, cánh đồng mẫu lớn thay cho vùng sình lầy tạo nên âm sắc mới, nhịp sống mới. Và gió, gió Ayun Pa dường như cũng dịu dàng hơn, hòa tan ánh điện, ánh trăng, dập dìu đây đó tiếng học bài con trẻ, dập dìu tiếng hát thanh niên, và ta nghe được cả lời hát của người già, lời hát trầm và ấm tha thiết nhắc ta đừng quên quá khứ, đừng quên những tháng năm nước sông đục ngầu vì bóng giặc…
*
Lễ hội đón lúa mới về làng của người J’rai ở Ayun Pa. Ảnh: Ngô Mạo |
Ayun Pa đã nuôi dưỡng những người con yêu dấu của mình ra đi làm cách mạng từ thuở còn đầu xanh tuổi trẻ, từ thuở cách mạng còn trong bóng tối với muôn vàn khó khăn, muôn vàn trắc trở. Chàng trai Nay Đer của miền quê Cheo Reo, một trí thức được người Pháp đào tạo đã sớm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của xứ sở trở thành người thầy giáo đầu tiên của người J’rai. Cụ Nay Đer ở giữa buôn làng như bóng của cây kơnia, như trống cái trong dàn nhạc cồng chiêng, như con sông lớn Ia Pa, như đỉnh Chư Prông, như bếp lửa nhà rông. Từ cụ đã tạo nên một sức hút cực kỳ hấp dẫn và phong phú đối với cộng đồng. Cũng chính từ cụ đã tạo ra một lớp trí thức J’rai đàn em, đàn con cháu lần lượt được thức tỉnh như Nay Phin, Ksor Kơ Rơn, Ksor Ní, Nay Pha…
Bây giờ tôi háo hức trở lại, háo hức đi tìm gặp bạn, nhưng các bạn tôi đa số đã về già. Hôm nay đang giữa mùa màng, các bạn tôi, những ai còn khỏe đều bận bịu ở ngoài đồng hay trên nương rẫy. Thôi đành chờ tối vậy, tôi nghĩ thế và tha thẩn thả bộ ra Bến Mộng, tên cái bến nước rất đẹp, rất thơ với những cây pơlang, cây xoài cổ thụ bên dòng nước trong vắt quanh năm tạo nên vẻ đẹp yên bình cho xứ sở này. Chiều đang buông. Những tàn phai trong ngày chấp chới phía sau những lùm tre lớn, sát mép sông khiến ta ngập chìm trong cảm giác êm ả của đồng bằng. Tôi tựa lưng nơi gốc cây xoài già ngửa cổ ngắm mây trời bảng lảng mà lòng chợt rộn lên bao ký ức…
Trung Trung Đỉnh