08:42, 24/12/2023
Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án điện gió của Lào. Trên cơ sở đề nghị của EVN, Bộ Công Thương đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan góp ý về chủ trương này.
Tuy nhiên, việc mua điện từ các dự án điện gió của Lào đang khiến dư luận băn khoăn khi mà hàng loạt dự án điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong nước vẫn trầy trật đàm phán giá để phát điện.
Theo EVN, việc mua điện gió từ Lào có mục tiêu tăng cường cung cấp điện cho các tỉnh khu vực phía Bắc thông qua kết nối từ Lào về huyện Đô Lương (Nghệ An), giúp giảm nguy cơ thiếu hụt điện cục bộ khi mùa khô đến.
Cùng với đó, theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến 2025 và khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép. Giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam được chủ đầu tư cam kết là áp dụng theo mức giá trần cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 US cents/kWh (gần 1.700 đồng/kWh theo thời giá hiện tại). Đồng thời, chủ đầu tư cũng đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của dự án.
Việc nhập khẩu điện từ nước ngoài sẽ là rất bình thường, phù hợp quy luật thị trường nếu đáp ứng được những vấn đề đặt ra, như: phù hợp quy hoạch, đáp ứng nhu cầu thực tế, giá thành cạnh tranh… Tuy nhiên, trong bối cảnh năng lượng tái tạo trong nước (cả điện gió và điện mặt trời) có thể đủ khả năng đáp ứng và có rất nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể hòa được vào lưới điện quốc gia thì những “dữ liệu” mà EVN đưa ra rất khó mang tính thuyết phục.
Trước hết là vấn đề giá thành, theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Tài chính ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thì giá điện gió nhập khẩu từ Lào về (1.700 đồng/kWh theo thời giá hiện tại) đang cao hơn giá mua điện tái tạo trong nước (trừ nguồn điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh). Đó là chưa kể theo báo cáo trước đó của EVN cho thấy, đến ngày 10/11, có 81/85 dự án gửi hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 4.597,86 MW, nhưng 69 dự án (tổng công suất 3.927,41 MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian đang chờ đàm phán giá chính thức chưa thể hoàn tất đàm phán và hòa lưới do chưa đủ hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật và theo nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống.
Một dự án điện gió trên địa bàn huyện Krông Búk. |
Còn bảo rằng việc nhập khẩu điện phù hợp với Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019 cũng là vấn đề gây nhiều băn khoăn khi mà quy hoạch này liệu đã “ổn”? Bởi, điện gió, điện mặt trời không phải mới được đưa vào Quy hoạch điện VIII. Với lợi thế, tiềm năng rất lớn của Việt Nam, ngay từ Quy hoạch điện VII (Quyết định số 1208/QĐ-TTg, ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) cho sản xuất điện.
Phát triển nhanh, từng bước tăng tỷ trọng của điện năng từ sản xuất theo nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.
Đáng nói là hiện nay còn nhiều dự án điện gió, điện mặt trời “bám” vào Quy hoạch điện VII đang vướng mắc thủ tục dẫn đến không hòa được vào lưới điện. Hơn nữa, đã có quy hoạch và hệ thống đã đủ tải rồi (một trong những lý do khiến nhiều dự án năng lượng tái tạo chưa được hòa lưới) thì tại sao vẫn cho làm? Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không cho hòa lưới và giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?…
Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong bối cảnh chúng ta “thừa” điện, có doanh nghiệp phải đóng cửa, hoạt động chỉ để duy trì kỹ thuật nhưng không hòa vào mạng lưới được. Trong khi đó, Việt Nam hiện đã và đang nhập khẩu từ Trung Quốc và Lào một sản lượng điện không nhỏ. Đây là một sự lãng phí rất lớn.
Đành rằng, việc mua – bán điện với ai, như thế nào? phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quy luật thị trường là rất quan trọng. Vì vậy, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn và nhất quán, đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước, điều quan trọng nhất hiện nay là sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư điện tái tạo trong nước.
Giang Nam