08:21, 29/08/2023
Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cư M’gar đã làm tốt vai trò đồng hành, kịp thời “tiếp sức” cho người dân bằng nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua đó, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Theo đại diện Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar, sau 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa về 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi một cách thuận lợi. Qua đó, giúp 34.889 lượt hộ nghèo được vay vốn, hỗ trợ 7.938 hộ thoát nghèo.
Từ vốn vay tín dụng chính sách, gia đình bà Bùi Thị Đằm (tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú) đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng, vươn lên thoát nghèo. |
Gia đình bà Bùi Thị Đằm (tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú) là hộ nghèo nhiều năm liền. Sinh sống bằng nghề nông song trước đây, do ít đất sản xuất nên gia đình bà quanh năm “thiếu trước, hụt sau”. Năm 2016, được tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở tổ dân phố phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi theo Chương trình cho vay hộ nghèo, bà đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để mua thêm 3 sào đất trồng sầu riêng. Nhờ cần mẫn, chăm chỉ chăm sóc nên vườn sầu riêng của gia đình bà phát triển và cho năng suất, chất lượng cao. Năm 2020, bà đã trả hết các khoản nợ ngân hàng và mua thêm đất trồng sầu riêng. Bà Đằm chia sẻ: “Hiện nay, tôi đã mua thêm đất, mở rộng diện tích lên hơn 1 ha sầu riêng. Trên diện tích này, mỗi năm thu được hơn 15 tấn quả, trừ các chi phí, gia đình lãi khoảng 300 triệu đồng. Tôi rất phấn khởi bởi nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà gia đình đã thoát nghèo bền vững, thậm chí còn có thu nhập kinh tế ổn định”.
Trước kia, gia đình chị Trần Thị Nga (tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú) là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Gia đình chị sống dựa vào 1,5 ha cà phê, nhưng kém hiệu quả. Năm 2017, được tín dụng chính sách “tiếp sức”, cùng với ý chí dám nghĩ dám làm, chị đã vay 70 triệu đồng để cải tạo đất, mua phân bón, cây giống để chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng xen hồ tiêu. Từ năm 2022, vườn cây xen canh đã bước đầu mang lại hiệu quả. Mỗi năm gia đình chị thu được khoảng 5 tạ tiêu và sầu riêng trong giai đoạn thu bói, với năng suất khoảng 20 tấn quả, ước tính lãi khoảng 400 – 500 triệu đồng. Nhờ khoản thu này, gia đình chị đã trả hết nợ ngân hàng, thoát khỏi cảnh nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá tại địa phương.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar thăm mô hình sầu riêng xen hồ tiêu của gia đình chị Trần Thị Nga (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar). |
Ông Y Sếp Niê, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar cho biết, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân địa phương thì nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo đã kịp thời trợ lực cho họ làm chủ kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Từ đầu năm đến nay đã có 818 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Cư M’gar tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ đơn vị, với số tiền trên 15 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả cao nhất, đơn vị đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị, xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên, với tỷ lệ trên 99%. Đồng thời, phối hợp với khuyến nông, lâm nghiệp và chính quyền địa phương để hướng dẫn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giúp bà con áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có hiệu quả, đảm bảo cung cấp dịch vụ đến 100% người nghèo và các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Đến nay, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar là 459,8 tỷ đồng, với 11.787 hộ vay. Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ dân trên địa bàn có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,13% (năm 2021) xuống còn 4,42% (năm 2022). |
Khánh Huyền