08:29, 28/08/2023
Với tinh thần đổi mới, dân chủ, thẳng thắn, lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh đã đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức (CB, CC) các sở, ban, ngành và khối Đảng, đoàn thể của tỉnh.
Rất nhiều vấn đề được nêu lên, nhiều kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng được bày tỏ, giải đáp đã tạo sự gắn kết, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và cả CB, CC cùng nỗ lực vì sự phát triển chung của tỉnh.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trả lời câu hỏi của công chức Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề thu hút đầu tư vào tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho biết: Bên cạnh thu hút đầu tư trong nước, tỉnh chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đến nay, toàn tỉnh có 26 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 678 triệu USD, trong đó, giai đoạn 2016 – 2020 thu hút được 13 dự án, tổng vốn đầu tư 163 triệu USD; từ năm 2021 đến nay cũng thu hút được 13 dự án, tổng vốn đầu tư trên 515 triệu USD.
Chỉ trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh đã thu hút được số dự án FDI bằng cả nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVI, tổng vốn đầu tư tăng gấp 3 lần, chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và thực hiện đầu tư tại tỉnh. Nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup cũng đã đến Đắk Lắk tìm hiểu các dự án xây dựng trung tâm thương mại, phát triển du lịch…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại hội nghị đối thoại. |
Thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cũng đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó nhấn mạnh: nhanh chóng triển khai quy hoạch sử dụng đất của tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, hoàn thành kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và hệ thống giao thông kết nối; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Giải đáp những trăn trở của công chức Sở Thông tin và Truyền thông về giải pháp, chính sách, chế độ đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sinh viên giỏi về công tác tại tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa nêu rõ: Tập trung phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá được đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Cụ thể hóa mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 27/7/2022 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quy trình soạn thảo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của địa phương về Dự thảo Nghị quyết chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt để trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Dự thảo nghị quyết này tập trung vào các chính sách ưu đãi về chế độ bồi dưỡng, môi trường, trang thiết bị làm việc, tiền lương; chế độ phúc lợi về nhà ở, phương tiện đi lại, miễn thuế thu nhập cá nhân; tiêu chí, nguyên tắc và lĩnh vực thu hút, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin được xếp đầu bảng. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đối với cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cao về công nghệ thông tin.
Cán bộ, công chức nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại. |
Quan tâm hơn nữa đến cán bộ dân tộc thiểu số
Chia sẻ về các giải pháp triển khai hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng do công chức Ban Dân tộc tỉnh nêu ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê khẳng định, với 49 dân tộc cùng sinh sống, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nói chung, nhất là cán bộ DTTS.
Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho 1.467 CB, CC người DTTS. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19/5/2022 về “Xây dựng và phát triển đội ngũ CB, CC, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, công tác xây dựng đội ngũ CB, CC người DTTS còn thiếu đồng bộ, chưa mang tính lâu dài. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 20/44 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chưa có cán bộ lãnh đạo là người DTTS.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ CB, CC, viên chức người DTTS chiếm 15% trong tổng số CB, CC, viên chức toàn tỉnh và chiếm 30% vào năm 2030, cần tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết đã ban hành.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng vị trí việc làm, quy hoạch, bố trí, sử dụng CB, CC, viên chức người DTTS; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, chế độ, chính sách đối với CB, CC, viên chức, trong đó có người DTTS.
Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với CB, CC năm 2023 vừa được tổ chức vào ngày 19/8 với sự tham gia của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và trên 350 CB, CC của 39 cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Bên cạnh 92 ý kiến đã được Ban tổ chức hội nghị tổng hợp, tại buổi đối thoại, CB, CC đã nêu các ý kiến, kiến nghị liên quan đến các nhóm vấn đề: thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống tổ chức, nhân lực các cơ quan, đơn vị; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực. Các ý kiến đều được lãnh đạo tỉnh trả lời, giải đáp cụ thể. |
Nguyễn Xuân