Chiều 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tham gia thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ (Ảnh:quochoi.vn).
Thảo luận ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy Buôn Hồ cho biết, trong giai đoạn vừa qua, chương trình phòng chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nội dung mục tiêu chưa hoàn thành, chưa đạt được. Trong đó có nhóm mục tiêu về số vụ phạm tội được phát hiện bắt giữ hằng năm mới chỉ đạt 2,47% (mục tiêu đặt ra là 5%); hoặc nhóm mục tiêu trên 80% số người nghiện và số người sử dụng trái phép chất ma túy được quản lý hồ sơ và tiếp cận tư vấn… mới chỉ đạt 65% (mục tiêu đề ra là trên 80%); hoặc nhóm mục tiêu về kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần… cũng chưa đạt. Bên cạnh các nguyên nhân như đội ngũ cán bộ thiếu, yếu, trang thiết bị thiếu hụt… trong đó phần nhiều là nguyên nhân do thiếu nguồn lực, thiếu trang thiết bị.
Đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ và rõ ràng về nguyên nhân khách quan và chủ quan để từ đó đề ra các giải pháp sát thực, phù hợp và triển khai chương trình đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Tương tự, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Bí thư Huyện ủy Cư Kuin cũng tán thành về sự cần thiết phải có Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy. Đại biểu cho biết, qua thực tế ở địa phương và theo dõi từ góc độ 4 tuyến vận chuyển, mua bán trái phép trọng điểm gồm Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung – Tây Nguyên và Tây Nam, tệ nạn ma túy ngày càng trở nên phức tạp. Số lượng ma túy thu giữ ngày càng lớn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã bắt giữ 27.905 đối tượng phạm tội ma túy trong 17.129 vụ án, thu giữ gần 01 tấn cần sa, hơn 1,7 tấn và 1,8 triệu viên ma túy tổng hợp. Trong số đối tượng phạm tội có đến 40,63% là lao động tự do, xấp xỉ 40% là người thất nghiệp; độ tuổi từ 18-30 chiếm hơn 41%.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy Buôn Hồ thảo luận tại phiên họp (Ảnh:quochoi.vn).
Đối với các cơ quan chức năng, thực thi nhiệm vụ phòng, chống tội phạm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì qua báo cáo giám sát của Ủy ban Xã hội của nhiệm kỳ trước cho thấy, trang thiết bị của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy còn khá thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu đánh án, phá án, truy bắt đối tượng…
Đối với các cơ sở cai nghiện ma túy, có thể nói cũng rất đa dạng về hiện trạng. Một số tỉnh, thành phố lớn, có khả năng cân đối ngân sách, nhất là TP. Hồ Chí Minh trước đây đã thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 16 về cai nghiện tập trung thì còn tương đối tạm ổn, có nơi thì có cơ sở nhưng đối tượng thì ít, có nơi và cũng là phần lớn còn lại thì cơ bản là xuống cấp, chật hẹp, thiếu thốn, không đáp ứng điều kiện.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm tán thành với 3 nhóm mục tiêu cụ thể là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại, bám sát với quan điểm, chủ trương phòng, chống ma túy của Đảng và Nhà nước và phù hợp với quan điểm khi xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Đối với quy mô vốn, đại biểu cho rằng, nếu so sánh với mục tiêu đặt ra cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai hiện nay thì tổng số vốn xấp xỉ 22.500 tỷ đồng của chương trình này là khá khiêm tốn. Mặc dù vậy, nhìn rộng hơn, việc xác định tổng mức vốn hài hòa với khả năng huy động nguồn lực trong thời gian tới khi chúng ta phải ưu tiên dành khá nhiều cho các dự án trọng điểm quốc gia và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Bí thư Huyện ủy Cư Kuin thảo luận tại phiên họp (Ảnh:quochoi.vn).
Về việc bố trí vốn cho các dự án, đại biểu quan tâm đến 2 dự án lớn đó là dự án 4 với hơn 4.700 tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở và dự án 5 là hơn 11.450 tỷ đồng – chiếm một nửa tổng số vốn của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy và quản lý sau cai với trọng tâm chính là hỗ trợ cơ sở cai nghiện ma túy công lập để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác cai nghiện ma túy.
Đại biểu cho rằng việc bố trí vốn này là phù hợp vì một mặt vừa khắc phục những hạn chế hiện nay về thực trạng cơ sở vật chất của các trung tâm và chuẩn bị về lâu dài cho tình hình ngày càng phức tạp, số người nghiện gia tăng. Mặt khác, phần vốn của 2 dự án 4 và 5 chiếm hơn 16.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 22.000 tỷ dành cho cơ sở là phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu đánh giá cao việc đề xuất dự án 2 về ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước, đáp ứng với tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, xuyên biên giới, sử dụng công nghệ để phạm tội. Tuy nhiên, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm, bảo trì, duy tu, nâng cấp các hệ thống này khá tốn kém nhưng vốn bố trí chỉ hơn 713 tỷ đồng thì hơi thấp.
Về các chỉ tiêu cụ thể, đại biểu đề nghị cần rà soát lại để lược bớt những chỉ tiêu mang tính chất mặc nhiên, ví dụ 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá – theo quy định đây là nhiệm vụ phải làm đương nhiên của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng; nếu muốn giữ thì có thể là chỉ tiêu giảm thiểu tối đa hoặc không phát sinh mới diện tích trồng trái phép cây thuốc phiện.
Về dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình, đại biểu đề nghị tại Điều 1 về mục tiêu thực hiện Chương trình cần rà soát để khái quát hơn nữa các mục tiêu tại điểm b khoản 1 Điều này và gộp chung vào phần mục tiêu tổng quát sẽ phù hợp, ngắn gọn hơn…
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/-oan-ai-bieu-quoc-hoi-tinh-ak-lak-thao-luan-tai-to-ve-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phong-chong-ma-tuy