Ngày 11/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).
Tại phiên làm việc, các đại biểu tập trung chất vấn về ba nhóm vấn đề: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Đặt câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Lưu Văn Đức – Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 14/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong đó, giao cho Ngân hàng Nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp để bình ổn và quản lý thị trường. Đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã thực hiện yêu cầu trên như thế nào và tác động đến giá vàng và thị trường vàng trong hiện tại và tương lai ra sao?
Đại biểu Lưu Văn Đức – Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).
Trả lời đại biểu Lưu Văn Đức về bình ổn giá vàng và thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng cao.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa can thiệp. Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc qua 9 phiên đấu thầu (đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013).
Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp nhằm ổn định thị trường vàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).
Đặt vấn đề chất vấn về làm rõ biện pháp quản lý, xử lý hoạt động kinh doanh ngoại hối trái phép, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, pháp luật hiện hành có khá nhiều văn bản quy định về quản lý các hoạt động ngoại hối, kinh doanh ngoại hối ở nước ta. Tuy nhiên, với thực tế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, nhất là việc giao dịch được thực hiện online, qua không gian mạng đã phát sinh nhiều hiện tượng lừa đảo, giả mạo của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng (thường được gọi là FOREX). Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thực trạng quản lý về kinh doanh ngoại hối hiện nay và biện pháp để có thể quản lý, xử lý các hoạt động kinh doanh ngoại hối không được cấp phép, hoạt động trái phép ở nước ta.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Bí thư Huyện ủy Cư Kuin nêu câu hỏi chất vấn tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm về vấn đề lừa đảo trên không gian mạng đối với sàn FOREX, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện nay thì chỉ có các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối, đặc biệt kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế. Khi doanh nghiệp và người dân có những giao dịch cần ngoại tệ thì sẽ giao dịch với các tổ chức tín dụng. Các tổ chức và cá nhân khác thì không được kinh doanh ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp phép cho một sàn giao dịch nào về vấn đề này. Nếu người dân giao dịch tại các sàn này thì sẽ có hệ lụy là bị lừa đảo. Do đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường phối hợp nhằm kịp thời kiểm soát, phát hiện các sàn không được cấp phép để có biện pháp xử lý hiệu quả.
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/-oan-ai-bieu-quoc-hoi-tinh-ak-lak-tham-gia-chat-van-ve-nhom-van-e-thuoc-linh-vuc-ngan-hang