08:08, 27/09/2023
Thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh giúp người dân và doanh nghiệp chủ động tiếp cận các thông tin chính xác, tương tác với chính quyền một cách dễ dàng, thuận tiện.
Để phát triển và hình thành những đô thị thông minh, yêu cầu đầu tiên là chuyển đổi số (CĐS) đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là CĐS trong quản lý đô thị. Xác định điều này, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (gọi tắt Đắk Lắk IOC) đã hoàn thiện và đưa vào vận hành phần mềm lõi cho trung tâm IOC, hệ thống phần mềm Tổng đài 1022 và 10 dịch vụ giám sát, điều hành về: An toàn thông tin mạng, chỉ tiêu kinh tế xã hội, lĩnh vực dịch vụ công, hiệu quả hoạt động chính quyền, y tế, giáo dục, du lịch, phản ánh hiện trường, tài nguyên môi trường, an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các ứng dụng đô thị thông minh, Đắk Lắk IOC đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng tiện ích số của các dịch vụ đô thị thông minh; thường xuyên theo dõi, tiếp nhận, giải quyết và trả lời kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Đắk Lắk IOC. Cùng với đó, khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống, phần mềm công nghệ thông tin đã được đầu tư; đảm bảo trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ số hóa tài liệu cập nhật lên IOC; thường xuyên cập nhật số liệu liên quan theo từng lĩnh vực vào Đắk Lắk IOC; đầu tư mở rộng hệ thống camera an ninh, giao thông, môi trường… đến các địa phương.
Cán bộ giám sát, quản lý hoạt động tại Dak Lak IOC. |
Trong đó, dịch vụ giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế và xã hội với số liệu thu thập được từ các đơn vị được tự động phân tích, đánh giá, cảnh báo và chuyển đến tài khoản của các đơn vị có liên quan nhằm phát hiện các chỉ tiêu bất cập giúp lãnh đạo của các cấp điều hành kinh tế – xã hội phát triển một cách khoa học và đồng bộ. Hay với dịch vụ giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông, từ hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng trên các camera thường, camera sẵn có để khai thác tốt hơn, chủ động hơn, hỗ trợ rất đắc lực cho hệ thống giao thông đô thị để chủ động điều phối lực lượng xử lý tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông…
Theo thống kê của Đắk Lắk IOC, tính đến tháng 7/2023 đã có 18.399 lượt tải và cài đặt ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến; có 5.605 tài khoản công dân cập nhật thông tin.
|
Theo ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, thực hiện kế hoạch xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh, UBND thành phố đã triển khai xây dựng Trung tâm camera giám sát an ninh tại Công an thành phố, trong giai đoạn 1 đã tích hợp được hơn 454 mắt camera từ các phường, xã về để theo dõi, giám sát; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các dịch vụ đô thị thông minh. Theo đó, từ tháng 4/2021 đến 8/2023, dịch vụ phản ánh hiện trường đã tiếp nhận 292 phản ánh; đường dây nóng tiếp nhận 319 phản ánh về hạ tầng đô thị (từ tháng 8/2022 đến 8/2023). Ngoài ra, đã triển khai xây dựng các điểm wifi công cộng tại Quảng trường 10/3, hoa viên thành phố, Bệnh viện Đa khoa thành phố, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ thành phố đến các phường, xã… để phục vụ người dân truy cập Internet giải quyết thủ tục hành chính và vui chơi, giải trí…
Hiện nay các ứng dụng “Đắk Lắk trực tuyến” và “Tương tác người dân Đắk Lắk” được triển khai, công dân có thể gửi phản ánh trên các lĩnh vực một cách dễ dàng, nhanh chóng chỉ bằng thao tác đơn giản thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Những phản ánh này được trung tâm tiếp nhận và gửi ngay tới lãnh đạo nơi có sự việc đang diễn ra. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải liền sau đó để người dân có thể giám sát, phản hồi.
Người dân tìm hiểu các ứng dụng dịch vụ đô thị trên điện thoại thông minh. |
Theo ông Nguyễn Xuân Tiệp, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cư M’gar, dịch vụ giám sát, điều hành lĩnh vực phản ánh hiện trường là một giải pháp thúc đẩy tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần đổi mới phương thức điều hành, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước với mục tiêu lấy người dân là trung tâm. Thông qua các phản ánh của người dân, hệ thống sẽ dần hình thành kênh tương tác, phục vụ người dân được tốt hơn. Đặc biệt, mới đây địa phương đã triển khai ứng dụng “Thông tin huyện Cư M’gar” vừa để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh, vừa góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp như sầu riêng, cà phê, các sản phẩm OCOP; tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất kết nối với doanh nghiệp, với người tiêu dùng trong và ngoài nước…
Có thể nói, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện CĐS trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Cùng với TP. Buôn Ma Thuột, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang tích cực đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai xây dựng đô thị thông minh với mục tiêu triển khai các hoạt động hiệu quả hơn và nâng cao khả năng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tam Giang