08:21, 08/09/2023
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, công chức năm 2023 mới đây, bên cạnh lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, Thường trực Tỉnh ủy đã nêu vấn đề về phát huy vai trò dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức.
Sự đổi mới trong cách thức tổ chức hội nghị và tương tác hai chiều đã gợi cho các chủ thể nêu chính kiến, nhận định rõ nguyên nhân và gửi gắm nguyện vọng, đề xuất nhằm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cán bộ phù hợp với điều kiện địa phương
Trả lời câu hỏi của đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: “Đâu là nguyên nhân và giải pháp nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, không dám làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ?’’, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Lê Trần Vinh khẳng định: Theo quy định hiện nay, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật không cấm.
Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Lê Trần Vinh. |
Trong khi đó, để “dám nghĩ, dám làm” thì phải có những suy nghĩ mới và khi thực hiện công vụ có thể sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Trong khi pháp luật ở nước ta chưa hoàn thiện, các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đầy đủ, còn chồng chéo, dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau. Do đó, cán bộ, công chức không dám nghĩ, không dám làm, không dám đổi mới vì sẽ dễ vướng mắc và sai sót.
Cho rằng đây chính là nguyên nhân sâu xa nhất, ông Vinh đề xuất các giải pháp: Trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Phân công, phân cấp, ủy quyền rõ ràng giữa Trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm, động viên, khuyến khích, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Và quan trọng hơn là cần có cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương nhằm bảo vệ những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của tập thể và người dân.
Nghiên cứu kỹ quy định pháp luật mới tham mưu đúng và trúng
Chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của mình trước câu hỏi của người đứng đầu tỉnh, bà Nguyễn Việt Nhân, Trưởng Phòng Tổng hợp, Quy hoạch – Hành chính (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, dám nghĩ, dám làm hoặc sáng tạo cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Vì vậy, với vai trò của mình, cán bộ, công chức cần tự học hỏi, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, hiểu sâu lĩnh vực thì mới tham mưu đúng và trúng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu nhiều vấn đề, lĩnh vực, do đó trước khi đưa ra phương án, mỗi cán bộ, công chức đều xin ý kiến các sở, ngành để có cái nhìn toàn diện, tham mưu đúng, đủ.
Nếu sự phối hợp giữa các sở, ngành không kịp thời, nhịp nhàng thì việc tham mưu sẽ chậm trễ hoặc khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sẽ phát hiện ra sai sót. Khối lượng công việc nhiều, các quy định, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, thay đổi liên tục nên khi phát hiện sai sót, cán bộ, công chức của Sở phải nghiên cứu lại quy định của pháp luật tại thời điểm tham mưu để giải trình, vừa mất thời gian và ảnh hưởng đến tâm lý thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Vì vậy, để có thể tham mưu đúng và trúng, cán bộ, công chức cần tìm tòi, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật; thực hiện đúng quy trình, trình tự trong tham mưu, lưu trữ hồ sơ rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể tự bảo vệ mình; tăng cường sự phối hợp kịp thời của các sở, ban, ngành.
Trong quá trình xem xét để quyết định kiểm điểm hay thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng xác định rõ động cơ khi tham mưu xuất phát từ trách nhiệm chung hay vì vụ lợi cá nhân để có hình thức xử lý phù hợp.
Trưởng Phòng Tổng hợp, Quy hoạch – Hành chính (Sở Kế hoạch – Đầu tư) Nguyễn Việt Nhân phát biểu tại buổi đối thoại. |
Yếu tố con người là quan trọng nhất
Bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề Bí thư Tỉnh ủy đặt ra, ông Đinh Duy Linh, Trưởng Phòng Chính trị – Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) cho rằng, tại sao cùng một cơ chế, thể chế đó nhưng cơ quan, đơn vị, địa phương này làm được mà nơi khác thì không.
Điều này cho thấy quá trình vận dụng cơ chế, thể chế đó như thế nào là do yếu tố con người. Với vai trò của một cán bộ, công chức, viên chức, mỗi người đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ, vị trí việc làm chưa.
Và muốn đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trước tiên, mỗi cán bộ, công chức cần phát huy hết tinh thần, trách nhiệm, sự tiên phong, gương mẫu trong thực thi công vụ, đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp, tập thể lên trước hết, trên hết để tham mưu mà không đùn đẩy, né tránh thì sẽ không vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật.
Bên cạnh nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng và có quy định đánh giá, sử dụng cán bộ, đáp ứng từng vị trí việc làm.
Nguyễn Xuân