Ngày 3/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành, địa phương và đơn vị trực thuộc.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2024, Sở đã chủ động tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (bao gồm 01 Nghị quyết và 04 Quyết định hoàn thành 16/16 nội dung Luật giao); Kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) tỉnh Đắk Lắk đảm bảo thời gian, nội dung theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Minh Huấn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc
Trong năm qua, ngành đã ban hành hơn 60 kế hoạch, 249 thông báo kết luận và trên 5.000 văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch của ngành; triển khai thực hiện 55 nhiệm vụ theo kế hoạch công tác của Sở (đạt 100%); 20/20 nhiệm vụ theo chương trình công tác của UBND tỉnh (đạt 100%); hoàn thành 474 nhiệm vụ do UBND tỉnh giao (đạt 95%).
Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước được tăng cường; ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến bãi đổ thải, nguồn đất san lấp, dôi dư do thực hiện các công trình dự án trọng điểm của tỉnh như Dự án cao tốc Khánh Hóa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1;
Công tác cải cách hành chính (CCHC) có nhiều tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn trong lĩnh vực đất đai của hộ gia đình, cá nhân đã giảm nhiều so với các năm trước (năm 2023 là 1,4%, đến nay còn 0,56%). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp GCNQSDĐ lần đầu được 1.023.333/1.042.739 ha, đạt tỷ lệ 98,13% diện tích cần cấp.
Đồng chí Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo
Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường được tăng cường. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh các sai phạm, vi phạm về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đảm bảo việc quản lý, sử dụng Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Công tác bảo vệ môi trường, quản lý khoáng sản được triển khai hiệu quả, Cải cách hành chính cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức và công dân trong việc giải quyết thủ tục về lĩnh vực của ngành; hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm.
Toàn ngành cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế như: việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản theo thẩm quyền tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 còn chậm; một số nhiệm vụ trong Chương trình công tác của UBND tỉnh qua các năm, đến nay chưa hoàn thành như giải thể Trung tâm kỹ thuật địa chính;
Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phiên thảo luận
Công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh chưa đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Công tác CCHC, chuyển đổi số tuy đã có chuyển biến tích cực về xếp hạng đã cải thiện cao hơn so với năm trước tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu, số đơn thư khiếu nại, phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC của người dân còn nhiều; Cải cách thủ tục hành chính, phân công, phân cấp về các địa phương trong việc quản lý tài nguyên và môi trường đã được chú trọng, tuy nhiên, trong một số lĩnh vực còn chưa phù hợp, triệt để.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kết quả mà ngành Tài nguyên và môi trường tỉnh đã đạt được. Thời gian tới, đề nghị toàn ngành cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao kết quả xếp hạng Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh; cần có biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, giám sát được khối lượng khoáng sản khai thác, tiêu thụ thực tế mặc dù các đơn vị hoạt động khoáng sản đã lắp đặt trạm cân và camera giám sát.
Kịp thời triển khai đồng bộ, đầy đủ, toàn diện và có hiệu quả các quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024. Tham mưu UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các văn bản Quy phạm pháp luật được giao đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời theo quy định.
Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu Tài nguyên và Môi trường với hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các địa phương, Bộ, ngành. Tập trung xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu.
Bên cạnh đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo định hướng của các Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW bảo đảm tiến độ, mục tiêu theo yêu cầu; kịp thời khắc phục nhưng tồn tại, sai sót liên quan đến các nội dung của Ngành Tài nguyên và Môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết tình trạng nhũng nhiễu liên quan đến thủ tục đất đai…
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/-ay-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-chuyen-oi-so-tren-cac-linh-vuc-quan-ly-cua-nganh-tai-nguyen-moi-truong